Điều đó cho thấy, sự phát triển các khu đô thị của Việt Nam hiện nay không theo định hướng để mọi người sử dụng giao thông công cộng.
Tại hội thảo "Nâng cao chất lượng và phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025" diễn ra vào ngày 16/9, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) báo cáo, giai đoạn 2001-2015, số lượng tuyến tăng 2,7 lần (31 lên 81 tuyến), đoàn phương tiện tăng gần 4,2 lần (334 lên tới 1.404 phương tiện), sản lượng tăng 29 lần (15 triệu lên 431,7 triệu hành khách). Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, sản lượng hành khách đi xe buýt đang có xu hướng sụt giảm.
Theo giải thích của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, nguyên nhân khách đi xe buýt giảm sút là do hạ tầng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang bị thu hẹp do ảnh hưởng của các công trình đang thi công dẫn đến luồng tuyến, lộ trình bị thay đổi đồng nghĩa với việc thời gian chuyến đi tăng; sự gia tăng nhanh của phương tiện cá nhân; chất lượng dịch vụ xe buýt chưa tương xứng với mức độ mong muốn của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Michimasa Takagi, Chuyên gia tư vấn cao cấp của Công ty Almec (Nhật Bản), tại các khu vực đô thị mới, các khu chung cư, người dân tiếp cận xe buýt phải di chuyển với quãng đường đi bộ xa từ 1-3km. Trong khi đó, khoảng cách đi bộ lý tưởng cho các vùng xung quanh điểm dừng đỗ chỉ là 500m, như ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chỉ có 2 điểm dừng đón xe buýt.
Ông Takagi đánh giá, ở Việt Nam một số ít khu đô thị có xe buýt vào đón khách như Times City nhưng nếu quan sát cho thấy, xe buýt ở đây phục vụ khách đến trung tâm thương mại nhiều hơn là dân cư. Điều đó cho thấy, sự phát triển các khu đô thị của cả Việt Nam hiện nay không theo định hướng sử dụng giao thông công cộng.