|
Hạn hán vẫn tiếp tục nghiêm trọng tại 18 tỉnh thành trên cả nước |
Tại Hội nghị kêu gọi hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam diễn ra chiều nay 26-4, Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ 48,5 triệu đô la Mỹ ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Các tổ chức quốc tế trước mắt đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp 7,43 triệu đô la Mỹ, tương đương hơn 15%.
Tại Hội nghị, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - đại diện cho các tỉnh bị thiệt hại nặng nề của đợt El Nino kéo dài kỷ lục này - cho hay, cả hai tỉnh Kiên Giang và An Giang đã xuống giống khoảng 300.000 héc ta lúa hè thu nhưng tới nay việc lấy nước để tưới cho diện tích này vô cùng khó khăn. Nếu tình hình thời tiết không thay đổi, thiệt hại đối với thu nhập, sinh kế của người dân là vô cùng lớn.
Hiện Kiên Giang chỉ có thể cầm cự cấp nước sinh hoạt cho thành phố Rạch Giá trong vòng hai ngày nữa. Nếu không có mưa, Kiên Giang sẽ không còn khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
“Riêng đối với các vùng ven biển đảo, nước sinh hoạt cực kỳ khó khăn. Có nơi bà con phải mua nước với giá 200.000 đồng/mét khối”, ông Nhịn nói và cho biết thêm, thiếu nước, ngoài việc ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, còn ảnh hưởng tới cả học hành của các em nhỏ khi phải theo bố mẹ đi nơi khác kiếm sống.
Kiên Giang chỉ là một trong số rất nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng khốc liệt từ hiện tượng thời tiết vừa qua. Trong tháng 3, Chính phủ Việt Nam, Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ đã tiến hành một đánh giá nhanh, ước tính trong 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất có khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực; hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người đã bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ngày càng gia tăng.
Đánh giá nhanh cũng cho thấy, 8 tỉnh khác cũng đang trong nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong các tuần tới đây, do tình trạng thiếu nước và phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ vì sử dụng nước không hợp vệ sinh, dự báo khả năng bùng phát của các bệnh dịch do thiếu nước sạch. Thêm vào đó, an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do mất mùa vì hạn hán sẽ là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán và suy giảm mực nước ngầm đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ 90 năm qua. Mặc dù xâm nhập mặn là một hiện tượng xảy ra thường niên, năm nay, xâm mặn đã bắt đầu sớm hơn bình thường hai tháng, với mức độ xâm nhập sâu hơn vào nội địa trung bình từ 20-30 km. Hậu quả của hạn hán và xâm mặn làm hơn 400.000 héc ta cây trồng bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, mất năng suất, và khoảng 25.900 héc ta đất trồng hiện nay đang phải bỏ trống không thể sử dụng.
Tại hội nghị, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc, cho hay Chính phủ Việt Nam thường tự ứng phó với các đợt thiên tai, lũ lụt bằng nguồn lực của mình, song đây là một sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Chính phủ để có thể trợ giúp những nhu cầu cấp thiết nhất cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, bà Pratibha Mehta nói.
Ngay từ cuối năm 2015, Chính phủ đã cung cấp 5.223 tấn lương thực cứu trợ cho ba khu vực bị hạn hán và đã phân bổ hơn 1.000 tỉ đồng (khoảng 45 triệu đô la Mỹ) thực hiện các nỗ lực cứu trợ hạn hán ở cấp quốc gia.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ khoảng hơn 15% tổng số tiền cần thiết, và để giải bài toán thiếu nguồn lực trong thời gian tới, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho hay, đêm nay sẽ có buổi họp về các biện pháp hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng của El Nino tại Geneve.
“Tôi tin, cộng đồng quốc tế sẽ xem xét để hỗ trợ cho các nước chịu ảnh hưởng của El Nino”, Bộ trưởng nói, và cũng cho biết Chính phủ cũng sẽ huy động nguồn lực trong nước hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng trước mắt và lâu dài. “Phương châm của Chính phủ là không để dân đói, thiếu nước sinh hoạt, dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tới đời sống người dân”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo TBKTSG