GDP không nên là pháp lệnh 2011-2016 là một nhiệm kỳ đặc biệt khi cuối cùng tư tưởng lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng đã áp đảo các chính sách chủ quan, nôn nóng từng làm chao đảo cả nền kinh tế. Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đầu tuần này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân năm năm đạt trên 5,9%/năm, thấp hơn so với mức 7%/năm của giai đoạn 2006-2010. Như vậy, GDP giai đoạn này đã không đạt được mục tiêu 6,5-7%, con số đã được điều chỉnh giảm từ mức 7,5% mà Đại hội XI năm 2011 đã “quyết”, rồi được Quốc hội “chấp thuận”. GDP không đạt yêu cầu của Quốc hội là do giá dầu thô sụt giảm còn một nửa dự toán. Song, đây có lẽ là chỉ tiêu cần được xem xét lại và nên coi đó là chỉ tiêu định hướng thay vì pháp lệnh. Lý do là chỉ cần “múc dầu lên, múc than lên” - như nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cảnh báo - là đạt được. Nhiều nước không quá chú trọng đến chỉ tiêu này, mà tập trung vào chỉ tiêu tạo việc làm. Đó mới chính là chỉ tiêu giúp cải thiện cuộc sống của người dân một cách thiết thực nhất. Ngân sách của ai? Ngân sách hình thành từ thu thuế, phí của người dân và khai thác tài nguyên, và đã trở thành vấn đề đại sự. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá vắn tắt về tài khóa của nhiệm kỳ: “Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn”. Thực tế này được Chính phủ thừa nhận. Tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần. Trong tổng chi NSNN giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64-65% (giai đoạn 2006-2010 chiếm 55,2%) chủ yếu là tăng chi cho con người, bao gồm cả chi tiền lương và an sinh xã hội; chi đầu tư phát triển giảm mạnh so với các giai đoạn trước từ 30,6% (giai đoạn 2001-2005) xuống 28,2% (giai đoạn 2006-2010) và còn khoảng 23,6% (giai đoạn 2011-2015). Cơ cấu chi tiêu như trên là quá lệch lạc khi phần lớn là chi để ăn, và phần ít hơn nhiều là chi cho phát triển. Trong khi thủ tục hành chính rườm rà, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn tràn lan do chính các cơ quan nhà nước gây nên, thì người dân có quyền đặt câu hỏi về tính hiệu quả của miếng bánh ngân sách lớn đang chi cho bộ máy. Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ký tên gửi Quốc hội thừa nhận một thực tế đáng lo lắng. Tổng thu NSNN không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn. Đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ thực hiện chi tiêu chặt chẽ hơn, theo đó bội chi NSNN, tính cả trái phiếu chính phủ, đạt dưới 4,5% vào năm 2015. Nhưng đây rõ ràng chỉ là mong muốn bởi tỷ lệ bội chi tăng đều qua từng năm (trừ năm 2014 - xem thêm biểu đồ). Bội chi lớn gây rủi ro lớn đối với an ninh tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy mà Quốc hội, như một thông lệ, luôn bật đèn xanh cho tất cả các báo cáo tài khóa của Chính phủ và lờ luôn nghị quyết của chính mình. Tính đến hết năm 2014 tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN khoảng 46.000 tỉ đồng và tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi là 62.200 tỉ đồng. Rõ ràng, tình trạng đầu tư công tràn lan vẫn chưa được khắc phục. Dân sinh bức xúc Chi nhiều thì phải tăng thu và gánh nặng thuế khóa rõ ràng dồn vào người dân và doanh nghiệp. Hiện nay Bộ Tài chính lại đang xem xét phương án tăng thuế môn bài và tới đây chính quyền các địa phương được quyết định các mức phí và lệ phí. Ngành thuế vẫn quyết tâm thu thuế tăng 10% mỗi năm để cân đối ngân sách trong bối cảnh thuế xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng về 0% khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ hai tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 16.471, cao hơn so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 13.904. Làn sóng doanh nghiệp phá sản bắt đầu từ năm 2011 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tình hình thực tế chắc chắn không đẹp như con số trong báo cáo là tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong nền kinh tế đến hết năm 2015 đạt hơn 940.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập trong giai đoạn 2011-2015 đạt gần 394.000 doanh nghiệp. Năm nay, hạn hán, nhiễm mặn đang diễn ra trên diện rộng ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước. Mất mùa, đói kém không còn là nguy cơ tiềm tàng. Ngoài biển thì ngư dân bị phá tàu, cắt lưới, thậm chí trả bằng sinh mạng. Đang có rất nhiều đòi hỏi dân sinh bức xúc. Liệu những điều này có được thể hiện qua lá phiếu của từng đại biểu khi thông qua các bản quyết toán ngân sách, hay thảo luận kinh tế - xã hội? |
Theo TBKTSG