Theo chương trình được thông qua tại phiên họp trù bị sáng 21/3, Quốc hội khoá 13 sẽ xem xét, kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước từ ngày 30/3 đến 12/4. Điểm mới trong nội quy kỳ họp Quốc hội là sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Toà án nhân dân tối cao sẽ tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.
Trong ngày 30/3 và 31/3, Quốc hội sẽ thảo luận, miễn nhiệm và bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau đó tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.
Cùng ngày 31/3, Quốc hội tiến hành các bước miễn nhiệm Chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách bầu Chủ tịch nước và bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín vào ngày 2/4. Tân chủ tịch nước sẽ tuyên thệ theo quy định.
Cũng trong ngày 2/4, Quốc hội cũng miễn nhiệm Phó chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Việc bầu nhân sự thay thế các chức danh này sẽ được thực hiện trong ngày 4-5/4.
Ngày 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng và Thường vụ Quốc hội thảo luận tại đoàn trước khi quyết định bằng cách bỏ phiếu kín. Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng.
Nội dung dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng sẽ được thảo luận tại đoàn và báo cáo kết quả trước Quốc hội trong sáng 7/4. Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết bằng bỏ phiếu kín. Tân Thủ tưởng cũng phải tuyên thệ trước nhân dân.
Việc miễn nhiệm và bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng được thực hiện trên cơ sở tờ trình của Chủ tịch nước. Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số phó thủ tướng, bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ.
Trong hai ngày cuối, các đại biểu sẽ thảo luận và phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia...
Trước đó, tại buổi họp báo được tổ chức ngày 18/3, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lý do Quốc hội kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước ngay tại Kỳ họp 11 mà không để sang Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14 vì nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt không tái cử Ban Chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới trong khi đến tháng 7/2016 Quốc hội khoá 14 mới họp.
Đây không phải lần đầu tiên thực hiện sớm việc kiện toàn nhân sự. Bởi từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 11, một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước cũng được kiện toàn trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới.
Theo danh sách 19 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII được phân công công tác sau Đại hội XII, ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, có 7 người nhận trọng trách mới: Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.
11 ủy viên Bộ chính trị còn lại gồm: ông Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an), ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó thủ tướng), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó chủ tịch Quốc hội), ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch UBTW MTTQVN), bà Tòng Thị Phóng (Phó chủ tịch Quốc hội), ông Phạm Bình Minh (Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao), ông Ngô Xuân Lịch (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN), ông Tô Lâm (Thứ trưởng Công an), ông Vương Đình Huệ (Trưởng Ban Kinh tế Trung ương), ông Nguyễn Văn Bình (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) và ông Trương Hoà Bình (Chánh án TANDTC) sẽ được giới thiệu ứng cử 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp thứ 11, cũng như chờ phân công nhiệm vụ.