Quốc hội khóa XIV có 21 đại biểu (4,20%) là người ngoài Đảng

VietTimes -- Chiều nay (9/6/2016), tại trung tâm báo chí Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội khóa XIV có 21 đại biểu (4,20%) là người ngoài Đảng

Theo công bố của hội đồng bầu cử quốc gia, kết quả tổng quát như sau:

Tổng số cử tri cả nước: 67.485.482 cử tri

Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu: 67.049.091 cử tri, đạt 99,35%.

Tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XIV là 870 người. Tổng số đại biểu trúng cử ngay trong ngày 22/5/2016 và bầu cử thêm ngày 29/5/2016 ở Cần Thơ là 496 người (bầu thiếu 4 đại biểu Quốc hội ở 4 tỉnh Sóc Trăng, Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai, mỗi tỉnh thiếu 1 đại biểu so với số được phân bổ). Trong đó:

Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu: Có 182 người trúng cử (tỷ lệ 36,70%), ít hơn so với dự kiến 15 người (Khóa XIII là 33,4%).

Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu: 312 người (tỷ lệ 62,90%).

Đại biểu tự ứng cử: 2 người (tỷ lệ 0,4%); giảm 0,4% so với khóa XIII (khóa XIII có 4 người).

Về cơ cấu kết hợp:

Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 86 người (tỷ lệ 17,3%)

Phụ nữ: 113 người (26,80%);

Đại biểu là người ngoài Đảng: 21 người (tỷ lệ 4,20%);

Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 71 người (14,30%);

ĐBQH khóa XIII tái cử: 160 người (32,3%);

ĐBQH tham gia Quốc hội lần đầu: 317 người (63,90%);

Đại biểu tự ứng cử: 2 người (tỷ lệ 0,4%);

Trình độ: Trên đại học 310 người (62,50%); đại học: 180 người (36,3%); dưới đại học (1,20%).

Trả lời câu hỏi của PV về lo ngại tỷ lệ đại biểu tái cử tương đối thấp (số đại biểu tái cử chỉ là 160 người, đạt 32,30%) sẽ ảnh hưởng gì đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả và kết quả hoạt động của Quốc hội không khóa XIV(?), ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Trưởng tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo, khẳng định "việc này không ảnh hưởng gì đến kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV".

Phân tích thêm, ông Hiển cho biết, thực tế trong các kỳ bầu cử Quốc hội trước đây, tỷ lệ đại biểu tái cử cũng chỉ dao động từ 33 – 35%.

"Số tái cử 1/3 này luôn là nòng cốt cho hoạt động của Quốc hội. Còn 2/3 đại biểu tham gia mới đều đủ tiêu chuẩn và trong đó cũng có rất nhiều người tham gia các cơ quan dân cử ở điện phương. Con số 2/3 này luôn đảm bảo Quốc hội có sự tương mới, tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay.

Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên VnEconomy hỏi, điều 69 của Luật Bầu cử quy định về nguyên tắc bỏ phiếu nói rõ là cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu thay, nhưng tại cuộc bầu cử lần này, theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tại phiên họp ngày 8/6, tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn chưa được khắc phục, vậy việc vẫn công nhận kết quả có đúng luật hay không?

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có một số thông tin và đơn thư nói rằng có tình trạng bầu hộ, bầu thay, đã cho kiểm tra lại và thấy rằng có một số ý kiến nặc danh, và có một số cử tri nêu là gia đình có 6 người nhưng do không hiểu biết và đi làm ăn xa, nên có bầu thay.

Điều này được khẳng định là có sai, nhưng không nghiêm trọng, và không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, các nơi xảy ra đã chấn chỉnh và thấy rằng số bầu cử thay không lớn. Những nơi có sai phạm nghiêm trọng thì đã huỷ bỏ kết quả và bầu lại. Như vậy là làm đúng quy định của pháp luật, ông Hiển nói.

H.V