Quốc hội đột xuất “bàn lại” dự án điện hạt nhân

VietTimes -- Chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, vào chiều 10/11 sẽ được thay đổi để Quốc hội họp bàn về việc xem xét cho dừng Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Phối cảnh nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận - (Nguồn INternet)
Phối cảnh nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận - (Nguồn INternet)

Trước đó, chương trình nội dung kỳ họp Quốc hội lần này được thông qua từ ngày 20/10 không có nội dung xem xét tờ trình của Chính phủ về việc dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Được biết, chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội khoá XII thông qua vào cuối năm 2009 với 382 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 77,48% tổng số ĐBQH).

Dự kiến, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành trong năm 2020.

Tuy nhiên, thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận phải lùi lại nhiều lần, hoãn đến năm 2020, vì lo ngại các yếu tố liên quan đến an toàn, an ninh hạt nhân, nhất là sau khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukusima ở Nhật Bản.

Vì vậy, Chính phủ đã có tờ trình lên Quốc hội về việc hoãn thi công nhà máy.

Ngày 9/11, người đứng đầu EVN cũng cho biết, do giá thành quá cao, điện hạt nhân cũng không có tính cạnh tranh với thủy điện hoặc nhiệt điện.

Trong chiều 10/11, sau khi thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là tên gọi chung của chuỗi hai nhà máy điện hạt nhân I và II đang trong dự án xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW. Về nguồn kinh phí, phía Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cũng đồng ý cho vay ODA làm điện hạt nhân. Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2008).