“Quốc hội chất vấn cần đi đến cùng trong việc quy trách nhiệm“

VietTimes - "Quốc hội cần đi đến cùng trong việc quy trách nhiệm. Hội nghị Trung ương 4 vừa qua đã đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực (...) Đối với Quốc hội, kiểm soát quyền lực chính là thực thi giám sát. Với tinh thần ấy, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng phải thể hiện việc kiểm soát quyền lực", nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhấn mạnh trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes.

 

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

- Từng giữ cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội thời gian gần đây?

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội thực ra là một hoạt động đã thành truyền thống. Ngay từ khi Quốc hội mới thành lập, sau cuộc bầu cử năm 1946, sự kiện chất vấn ngày đó đã như là một sự kiện lịch sử, rất sâu sắc, có nhiều bài học tốt. Nhất là phần trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau thời gian đó, hoạt động chất vấn cứ đều đều, vừa phải thôi. Cho đến kỳ họp của Quốc hội khoá 9 vào giữa năm 1994 đã có thay đổi rất lịch sử là truyền hình trực tiếp, phát thanh trực tiếp các buổi chất vấn của Quốc hội. Từ đó tạo sức sống mới, chuyển biến về chất cho hoạt động chất vấn.

Cụ thể là nhân dân cả nước có thể đánh giá câu hỏi của đại biểu có tâm, có tầm không, trả lời của các vị Bộ trưởng, của Thủ tướng..., có thỏa đáng không. Điều đó đã tạo ra một không khí mới cho hoạt động chất vấn của Quốc hội.

Từ đó đến nay đã là 23 năm rồi, hoạt động chất vấn cũng có những chuyển biến, dần dần chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên.

Trong 5 – 6 năm gần đây, cụ thể là Quốc hội khoá 13 và 14, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên. Điều đó cũng đúng với mong muốn của đại biểu Quốc hội và của cử tri trong nâng cao chất lượng chất vấn.

Nhưng theo tôi vẫn có một số vấn đề trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn còn phải nâng lên nữa.

“Quốc hội chất vấn cần đi đến cùng trong việc quy trách nhiệm“ ảnh 1Toàn cảnh kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV. Nguồn: Ban Nội Chính Trung ương

- Theo ông, việc nâng cao hơn nữa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này cần nâng cao hơn nữa theo hướng nào, 3 ngày liệu có đủ không?

Khi công bố nội dung và đổi mới nội dung kỳ họp có nói tới việc chất vấn 3 ngày. Đây là việc làm tốt, nhưng thực tế từ năm 1994 đã chất vấn tới 3 ngày, sau đó lại rút xuống 2 ngày. Lúc ấy tôi đề nghị vẫn nên giữ 3 ngày, sau mãi thì lên được 2,5 ngày, lần này thì trở lại 3 ngày. Như vậy so với năm 1994 không phải là mới, điều quan trọng là hợp lòng dân và phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời tôi thấy hình như 3 ngày vẫn còn thiếu, nếu chúng ta không kiên quyết và có phương thức tổ chức tốt. Thực tế ngày nay đòi hỏi hiệu quả chất vấn ngày càng phải cao hơn.

Cái thứ hai là đặt vấn đề là tăng tính tranh luận trong các phiên chất vấn. Tôi rất hoan nghênh điều đó. Cố gắng tránh tình trạng như lâu nay, Bộ trưởng trả lời một đại biểu rồi chuyển ngay sang câu hỏi của đại biểu khác.

Nhìn tổng quát, tôi thấy hiệu quả của chất vấn phải bằng sản phẩm. Sản phẩm đó là những giải pháp cho mỗi vấn đề có trong Nghị quyết của Quốc hội, là những mệnh lệnh mà các cơ quan và người có trách nhiệm buộc phải thi hành.

- Vậy để nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội thì nên cải tiến theo hướng nào, thưa ông?

Hiện nay chất vấn và trả lời chất vấn phần lớn vẫn chưa đi đến cùng. Vừa qua chất vấn ở Quốc hội chưa có điều kiện đi sâu để tìm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp. Phần lớn cái đạt được là người trả lời chất vấn nhận thiếu sót và có lời xin lỗi, cái đó thì vẫn chưa đủ. Cái chính là phải đưa ra các giải pháp.

Muốn vậy đòi hỏi ở nhiều khía cạnh:

Một là, các Bộ trưởng phải trình bày các giải pháp. Tuy nhiên các giải pháp của họ đôi khi còn những hạn chế bởi mang tính chủ quan, có phần cục bộ.

Hai là, cách nhìn của đại biểu quốc hội, của cử tri mang tính khách quan,  làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Cho nên, trong tranh luận, chủ toạ cần tạo điều kiện và đòi hỏi các vị đại biểu góp phần bổ sung thêm các giải pháp của Chính phủ để hoàn thiện sản phẩm của hoạt động chất vấn.

Cái nữa là 6 tháng, hoặc một năm sau, chúng ta phải đánh giá lại, kiểm điểm lại những giải pháp đó trong Nghị quyết của Quốc hội đã thực hiện đến đâu. Chúng ta phải chấp nhận và kiên trì làm cái đó.

- Trong các phiên chất vấn từ ngày 13 đến 15/6, các vấn đề nóng như sân bay Tân Sơn Nhất, bất cập dự án BOT giao thông, bổ nhiệm người nhà, kê khai tài sản chưa minh bạch… đều không nằm trong chương trình, trong khi chưa rõ kỳ họp cuối năm những vấn đề “nóng” này có nằm trong chương trình không, ông đánh giá thế nào về việc này?

Đấy là vấn đề đặt ra. Trong kỳ họp lần này, chúng ta có 3 ngày và dành cho 4 vị Bộ trưởng trả lời, theo tôi là hợp lý.  Tuy nhiên, nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, của xã hội lại nằm ngoài lĩnh vực của các vị này thì xử lý thế nào?

“Quốc hội chất vấn cần đi đến cùng trong việc quy trách nhiệm“ ảnh 2Các Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội trong kỳ họp lần này.

Với 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn lần này, nội dung cần trả lời cũng rất nhiều, cho nên cần định hướng những câu hỏi về các vấn đề bức xúc nhất để xử lý, tốt nhất là mỗi vị Bộ trưởng cũng chỉ nên tập trung 2, 3 vấn đề thôi. Nếu nhiều quá thì nội dung lại lan man, không giải quyết sâu được. Còn những vấn đề bức xúc khác, theo tôi, Thủ tướng, hoặc các Phó Thủ tướng phải trả lời.

Tuy nhiên tôi chưa hài lòng về cách trả lời chất vấn hiện nay: Kỳ họp giữa năm thì Phó Thủ tướng trả lời, kỳ họp cuối năm thì Thủ tướng trả lời. Ở Quốc hội các nước, bất kỳ lúc nào, Thủ tướng đều là người trả lời chất vấn. Năm nay có bước tiến bộ hơn là nếu Phó Thủ tướng trả lời chưa thỏa đáng thì Thủ tướng phát biểu, phân tích bổ sung thêm. Nhưng tôi muốn Thủ tướng là người trực tiếp trả lời mọi vấn đề còn lại. Nếu làm như vậy thì những vấn đề bức xúc mà đại biểu nêu lên, không thuộc phạm vi trả lời của 4 Bộ trưởng cũng sẽ được trả lời và thậm chí bố trí thêm thời gian cho trả lời chất vấn cũng là rất cần thiết.

Quan trọng nữa, Quốc hội cần đi đến cùng trong việc quy trách nhiệm. Ở hội nghị Trung ương 4 vừa qua đã đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực. Theo tôi, chủ trương kiểm soát quyền lực là rất cần thiết, đồng thời đòi hỏi Đảng, Chính phủ, các ngành các cấp cần có những việc làm cụ thể. Đối với Quốc hội, kiểm soát quyền lực chính là thực thi giám sát. Với tinh thần ấy, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng phải thể hiện việc kiểm soát quyền lực.

- Trong các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu khi đứng lên phát biểu, câu đầu tiên đều nói rằng tán thành hoặc nhất trí cao với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, sau đó mới đi vào các vấn đề cụ thể. Đã nhất trí cao rồi thì sao lại nêu yêu cầu, kiến nghị, thưa ông?

Tôi cho rằng cách phát biểu của đại biểu cần đổi mới, cải tiến để thiết thực hơn. Chúng ta cần nói thẳng vào vấn đề, và không nên lấy lòng bằng cách: chúng tôi nhất trí, nhất trí cao... Việc nhất trí là đương nhiên, còn vấn đề nào anh chưa nhất trí thì nên tập trung, đánh giá sâu hơn để tránh phản cảm. Nên có sự thay đổi về cách thức nói của đại biểu, cứ thẳng thắn nói về vấn đề mình quan tâm.

Thứ hai, thảo luận về kinh tế xã hội, tôi thấy mỗi người cứ chuẩn bị bằng bài phát biểu, chủ tọa điều khiển cứ thế mời phát biểu, tôi thấy không ổn lắm.

Theo tôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những cuộc họp để chuẩn bị đưa ra Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và đương nhiên đã có những nhận xét, đánh giá về các vấn đề nổi lên. Chính vì thế, chủ tọa điều khiển thảo luận tại Quốc hội cần có những gợi mở để các đại biểu tập trung nêu các ý kiến sâu sắc, phản biện, từ đó tạo tranh luận để đi đến cùng.  

Tình trạng phổ biến hiện nay là trong các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, đa số các đại biểu Quốc hội đã đọc bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn. Làm như vậy là chưa đạt yêu cầu. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, việc mỗi đại biểu  đọc bài phát biểu chỉ nên trong một buổi thôi, còn từ buổi thứ hai trở đi cần dành cho việc thảo luận, tranh luận các vấn đề nóng trong xã hội mà quan trọng để góp phần vào chất lượng các buổi chất vấn và trả lời chất vấn và góp phần đưa các nội dung vào Nghị quyết của Quốc hội.

Mặt khác, thảo luận về kinh tế xã hội hiện nay hình như vẫn chưa gắn với kiến nghị của cử tri. Kiến nghị của cử tri là những bức xúc, do Trung ương Mặt trận Tổ quốc trình bày, đã thống nhất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy gắn những kiến nghị của cử tri với các vấn đề kinh tế xã hội là rất cần thiết.

Tóm lại, những kết quả về chất vấn và trả lời chất vấn, cũng như việc thảo luận tình hình kinh tế - xã hội... những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Chúng ta phát huy những thành quả đó, nhưng không chủ quan thoả mãn và đòi hỏi phải có nhiều cải tiến, nhiều đổi mới hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!