Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nóng lên khi các đại biểu Quốc hội đánh giá về hoạt động thực hiện các vấn đề trách nhiệm của các Bộ ngành và đặt ra các câu hỏi chất vấn.
Chỉ ra thực tế về tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), cho rằng những người lãnh đạo trực tiếp xử lý các vấn đề, là những Tư lệnh ngành cần có sự giám sát và theo dõi thực tế hơn.
Trong đó, những vấn đề “nóng” được đại biểu Sơn đặt ra, là tình trạng tham nhũng, mặc dù đã đấu tranh mạnh mẽ nhưng tham nhũng vẫn là quốc nạn, kể cả khi trước Đại hội Đảng các cấp diễn ra, thì cuộc đấu tranh này vẫn chưa được đẩy mạnh và đấu tranh mạnh mẽ.
Một vấn đề cũng được cử tri quan tâm là bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn chưa có câu trả lời trọn vẹn. Việc quản lý liên quan đến an toàn thực phẩm khi có nhiều chất nguy hại bằng nhiều cách đặt lên bàn ăn của người dân vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn khó khăn, người dân chưa yên tâm bám đồng ruộng và tình trạng tư thương nước ngoài gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, Đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum) thì băn khoăn về việc trồng rừng thay thế, khi tỷ lệ trồng rừng thay thế hiện nay chỉ đạt ở mức thấp, khoảng 32%. Trong đó, trồng rừng với dự án thủy điện, đạt 46%; dự án chuyển sang mục đích kinh doanh đạt 37%; dự án chuyển sang mục đích công cộng đạt 16%.
Do đó, Đại biểu Tám đặt câu hỏi là tại sao đã có chủ trương trồng rừng thay thế nhưng việc bố trí, triển khai trồng rừng vẫn chưa đạt. Mặc dù Chính phủ đã chỉ rõ nguyên nhân là do chủ đầu tư không bố trí kinh phí, dự án không xây dựng phương án… song vấn đề mà Đại biểu Tám đặt ra là tại sao khi xem xét phê duyệt dự án, không xem xét dự toán hay không nghiệm thu để xảy ra tình trạng trên. Đồng thời, cần phải làm rõ trách nhiệm giải quyết vốn cho trồng rừng thay thế.
Làm nóng thêm Nghị trường Quốc hội khi Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt ra hàng loạt các câu hỏi và “truy” trách nhiệm tới 5 Tư lệnh ngành. Bởi theo Đại biểu Vở, các vấn đề được cử tri quan tâm vẫn chưa được người đứng đầu các bộ ngành đeo bám đến cùng, chưa đồng bộ nên một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, nội dung báo cáo Chính phủ vẫn chưa chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu, chưa thể hiện việc nói đi đôi với làm.
Theo đó, Đại biểu Vở đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cần làm rõ trách nhiệm về việc hỗ trợ công nghệ cao cho phát triển, đưa ra tiêu chí cho doanh nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao. Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm về số liệu “nhảy múa” về diện tích trồng rừng và trồng rừng thay thế cho dự án thủy điện.
Trước thực trạng “thừa thày thiếu thợ” còn bỏ ngỏ, Đại biểu Vở yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định rõ trách nhiệm về định hướng tuyển sinh, đào tạo để khắc phục tình trạng thừa thày thiếu thợ, khiến 400.000 cử nhân thất nghiệp. Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội làm rõ các vấn đề liên quan đến cơ sở đào tạo lao động.
Để nâng cao hiệu quả và hiệu lực giám sát, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Quố hội bổ sung dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội để xem xét việc hậu giám sát và thực hiện giám sát. Từ đó làm cơ sở việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, có chế tài sau giám sát mới xác định trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ.
Đăng đàn trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, về vấn đề trồng rừng thay thế bị chậm do khi xét duyệt dự án chưa tính đến các phương án phát sinh. Bộ Nông nghiệp đã rà soát các dự án và quy định theo thời hạn, doanh nghiệp nào không trồng rừng thay thế sẽ bị rút giấy phép thực hiện.
Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng khẳng định, việc lấy rừng làm cơ sở hạ tầng phải lấy tiền ngân sách trồng bù theo đúng luật.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở – tỉnh Đồng Nai về quy định đăng ký hàm lượng đối với thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Phát cho biết, đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng có sự chênh nhau do mỗi loại thuốc cần cho một giai đoạn phát triển khác nhau của cây trồng.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp cũng ban hành thông tư quy định cách đặt tên các loại thuốc, tránh tình trạng tràn lan các loại thuốc với những tên gọi na ná nhau.
Sau phần trả lời chất vấn của Tư lệnh ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng thừa nhận, trong quá trình hoạt động của ngành công thương vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém.
Về trồng bù diện tích rừng cho các công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Công thương. Năm 2015 nhiều khả năng sẽ hoàn thành việc trồng bù rừng theo kế hoạch đã đề ra.
Để giải quyết những trường hợp chưa trồng bù rừng thay thế, đối với những dự án đã được phê duyệt, ngành Công thương sẽ đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành tiến độ trồng rừng thay thế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Đối với dự án đang có phương án được phê duyệt, ngành công thương sẽ chỉ cấp giấy phép 1 năm. Nếu không thực hiện sẽ bị xử lý vi phạm” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Bên cạnh đó, về việc cụ thể hóa chính sách đối với ứng dụng và áp dụng công nghệ trong sản xuất công nghiệp, Chính phủ giao Bộ Khoa học công nghệ làm đầu mối phát triển công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ cao.
Thực hiện vai trò phối hợp, thời gian qua Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ triển khai các đề án như chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Kết quả bước đầu cho thấy, từ năm 2011 đến nay có khá nhiều đề tài nghiên cứu sản phẩm công nghệ mới mang lại hiệu quả cao, nhiều đóng góp vào sản xuất kinh doanh.
Ví dụ, công nghệ cao trong đóng dàn khoan ngành dầu khí, nội địa hóa một số nhà máy nhiệt điện, bước đầu sản xuất thành công một số phụ tùng linh kiện. Liên quan đến sản xuất phân bón như phân Ure, tỷ lệ hàm lượng doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được ngày càng tăng lên…
Tuy vậy, Tư lệnh ngành Công thương cũng thẳng thắn thừa nhận, hiệu quả của việc áp dụng khoa học công nghệ chưa đạt kết quả mong muốn. Thực hiện Nghị quyết số 10/2013 về phát triển kinh tế xã hội, trong thời gian tới Bộ Công thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới công nghệ, thay đổi tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai, phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ xây dựng các đề án ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng cho các đề án trọng điểm, sản xuất.
Thứ ba, phối hợp huy động nguồn vốn, đầu tư hỗ trợ cho các dự án, đề án
Thứ tư, trong quá trình hội nhập sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tận dụng cơ hội đưa công nghệ tiên tiến thông qua các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Trí thức trẻ