Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết thông tin như vậy trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 khai mạc vào sáng ngày 20/5 tới. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày và sẽ họp phiên bế mạc vào ngày 14/06/2019.
Cụ thể, Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ ứng dụng phần mềm điện tử để cung cấp tài liệu, thông tin cho các đại biểu một cách thuận lợi nhất. Đại biểu chỉ cần một cái máy điện thoại thông minh là có thể tiếp nhận được thông tin. Do kỳ họp này mới được thử nghiệm, nên vẫn chưa bỏ việc cung cấp thông tin, tài liệu bản giấy.
Sau kỳ họp, đại biểu sẽ đánh giá và kiến nghị cần hoàn thiện như thế nào, từ đó sẽ có sự điều chỉnh trong kỳ họp sau. Đây là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện Quốc hội điện tử.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật để thông qua 7 dự án luật. Đáng chú ý là Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia… cho ý kiến 2 Nghị quyết và 9 dự án Luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến những điểm đổi mới đáng chú ý tại Kỳ họp thứ 6; việc thay đổi trong hình thức chất vấn. Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, thì kỳ họp giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ Quốc hội mới chất vấn theo nhóm vấn đề, mời tất cả các thành viên Chính phủ trả lời. Do đó tại các kỳ họp khác thì chất vấn theo thông lệ, trên cơ sở bức xúc của thực tiễn, đại biểu Quốc hội đề xuất và Quốc hội sẽ chọn 4-5 vấn đề. Liên quan đến thành viên Chính phủ nào thì thành viên đó sẽ trả lời, sau đó Quốc hội ra Nghị quyết để cuối nhiệm kỳ sẽ chất vấn lại".
Theo quan sát của VietTimes, trước sự quan tâm về việc tại kỳ họp lần này Quốc hội có ra Nghị quyết để xử lý tình hình vi phạm giao thông diễn ra nghiêm trọng trong thời gian gần đây không, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Đối với Việt Nam, việc vi phạm, tội phạm, hình phạt đã nằm trong Bộ Luật hình sự. Hành vi xử phạt hành chính trong Luật vi phạm hành chính hoặc luật chuyên ngành. Vì thế trong Luật phòng chống rượu bia không quy định Luật này.
Trước tình hình này, các đại biểu đề nghị tại Kỳ họp này có Nghị quyết quy định tăng mức phạt. Hình thức này này có thể là Nghị quyết riêng hoặc Nghị quyết chung. Tới đây Quốc hội sẽ bàn, có hình thức nào đó xử lý ngay được những việc lái xe vi phạm, uống rượu bia trong quá trình lái xe”.