Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, nội dung mới trong đề nghị sửa đổi lần này, đó là cơ quan dự thảo sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã đề nghị mở rộng phạm vi bồi thường của Nhà nước
Cụ thể, dự thảo sửa đổi này đã bổ sung nội dung bồi thường đối với hoạt động quản lý hành chính do áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật. Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận xét, việc bổ sung này phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Đối với nội dung cũ của luật - bồi thường trong tố tụng hình sự - dự thảo sửa đổi Luật cũng bổ sung trường hợp “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.
Theo giải thích của cơ quan soạn thảo, việc bổ sung nội dung này nhằm tạo sự thống nhất với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đồng thời vẫn cụ thể và chặt chẽ hơn, bảo đảm tính khả thi và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Điểm mới nữa, là cơ quan soạn thảo đã đưa vào dự thảo sửa đổi luật quy định cụ thể về bồi thường trong trường hợp đã “Ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật, mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự, hoặc hành vi trái pháp luật của họ đã được xác định tại quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo của chánh án tòa án có thẩm quyền”.
Về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường Nhà nước, theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, dự thảo sửa đổi giữ nguyên như hiện nay, nhưng có ý kiến đề nghị bổ sung quyền khởi kiện giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại.
Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết các ý kiến đóng góp với dự thảo sửa đổi là đồng ý với nguyên tắc cơ quan ra quyết định gây oan sai sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị oan, sai.