Quốc gia dùng 'giấy ghi nợ' tự chế làm tiền thối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các chủ cửa hàng ở Zimbabwe đã nghĩ ra nhiều cách để thối lại tiền cho khách hàng khi đồng USD mệnh giá nhỏ tại đây ngày càng khan hiếm.

Đồng tiền cũ mệnh giá 100 nghìn tỉ dollar Zimbabwe (Ảnh: AP)
Đồng tiền cũ mệnh giá 100 nghìn tỉ dollar Zimbabwe (Ảnh: AP)

Trong một buổi chiều gần đây, cô Rutendo Manyowa rút tờ tiền 5 USD để thanh toán hoá đơn 3,5 USD bao gồm gà, khoai tây chiên và đồ uống nhẹ tại một cửa hàng đồ ăn nhanh ở thủ đô của Zimbabwe.

Thay vì được trả lại tiền thừa bao gồm 1 USD và vài xu lẻ, nhân viên thu ngân đưa cho cô Manyowa 3 mảnh giấy, trên đó có tên của nhà hàng và số tiền thừa mà cô có thể trả cho bữa ăn tiếp theo tại nhà hàng này.

Zimbabwe - quốc gia từng cho ra đời đồng tiền mệnh giá 100.000 tỉ dollar Zimbabwe (ZWD) - đã bước vào một giai đoạn mới của khủng hoảng tiền tệ, theo Wall Street Journal.

Do thiếu tiền lẻ, nhiều doanh nghiệp ở nước này bắt đầu tự in “tiền” riêng của họ - những tờ giấy, đôi khi còn được viết tay, viết rằng khách hàng có thể sử dụng nó để thanh toán trong tương lai.

Những doanh nghiệp khác còn trả tiền thừa cho khách hàng bằng đủ phương thức, như những hộp nước quả, bút chì hay một mẩu pho mát...

Giấy ghi nợ 'tự chế'

Những mẩu giấy thanh toán cùng với nhiều phương thức chi trả tự phát như vậy là những sản phẩm mới nhất được sinh ra sau 2 thập kỷ khủng hoảng tiền tệ ở Zimbabwe.

Những tấm giấy ghi nợ, dạng voucher, được sử dụng để trả tiền thừa ở Zimbabwe (Ảnh: WSJ)

Những tấm giấy ghi nợ, dạng voucher, được sử dụng để trả tiền thừa ở Zimbabwe (Ảnh: WSJ)

Vào những năm 2000, chính phủ của cựu Tổng thống Robert Mugabe cho in thêm tiền nhằm bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp, tiếp theo đó là kế hoạch phân bổ lại đất đai gây tranh cãi. Sau khi lạm phát đạt đỉnh, ở mức 79,6 tỉ %, vào năm 2009, chính phủ quyết định bãi bỏ đồng ZWD và bắt đầu sử dụng USD để thay thế.

Sự chuyển đổi mang đến một vài năm ổn định cho Zimbabwe. Tuy nhân, Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe sau đó đã không đáp ứng được nhu cầu dùng USD của người dân.

Lượng tiền mà được dự trữ trong các tài khoản ngân hàng không thể được rút ra dưới dạng tiền mặt và vào đầu năm 2019, ngân hàng trung ương lại phải sử dụng lại đồng ZWD, làm thay đổi các khoản tiền tiết kiệm bằng đồng USD và biến các khoản nợ chính phủ ở trong nước thành đồng tiền nội địa có giá trị suy giảm nhanh chóng.

Ngày nay, 1 USD đổi được hơn 900 ZWD và lạm phát ở nước này lên tới 230% trong tháng 1 vừa qua. Hầu hết doanh nghiệp ở nước này đều yêu cầu thanh toán bằng đồng USD, mặc dù đồng dollar Zimbabwe là đồng tiền chính thức.

Và đó là khi vấn đề mới xuất hiện.

Các ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương Zimbabwe nhập khẩu đồng USD để sử dụng trong nước, nhưng do trọng lượng lớn và giá trị thấp nên những chuyến bay nhập khẩu như vậy bị coi là phi kinh tế.

Đồng tiền mệnh giá 1 USD – được sử dụng nhiều nhất ở Zimbabwe, đất nước mà gần 40% dân số sống với mức thu nhập dưới 1,8 USD/ngày – cũng thường xuyên bị thiếu hụt.

Loại giấy tờ kiểu IOU (I owe you, có nghĩa là “tôi nợ bạn”) là một sản phẩm được sinh ra trong môi trường đó. Nhưng không hẳn là khách hàng buộc phải nhận chúng. Cô Maynowa, sinh viên đại học 23 tuổi, đã quyết định đứng chờ 15 phút trước cửa hàng gà Chicken Inn cho đến khi một khách hàng khác thanh toán bằng đồng tiền mệnh giá 1 USD để cửa hàng trả tiền thừa cho cô.

“Rất khó chịu,” cô Manyowa nói khi chờ đợi.

Khác hẳn với tiền giấy mà ngân hàng phát hành, thường được làm từ nhựa hay cotton, những tờ giấy ghi nợ kiểu này chỉ cần cho vào máy giặt là hỏng.

Adelaide Moyo, một nhà báo ở Zimbabwe, cho hay cô nhiều lần tìm thấy những tấm giấy như vậy trong trạng thái bị hỏng của chuỗi nhà hàng Chicken Inn hoặc của chuỗi siêu thị Spar (Hà Lan) bị mắc vào quần áo của mình, sau khi lấy chúng ra khỏi máy giặt.

Để tránh sự “mất mát” như vậy, Moyo cho hay cô thường nhận vài lát pho mát, thêm nước sốt, hay một quả trứng luộc coi như tiền thừa, thay vì nhận giấy ghi nợ của nhà hàng. Những “thương vụ” kiểu này thường không có lợi cho những khách hàng như Moyo, bởi một lát pho mát thường có giá chỉ 0,5 USD, nhưng vẫn còn tốt hơn là cầm theo những mẩu giấy ghi nợ đi khắp mọi nơi.

“Thà cầm thức ăn đi còn hơn,” Moyo nói.

Cảnh đông đúc tại một khu chợ bán quần áo ở trung tâm thủ đô Harare (Ảnh: Shutterstock)

Cảnh đông đúc tại một khu chợ bán quần áo ở trung tâm thủ đô Harare (Ảnh: Shutterstock)

Đủ kiểu sáng tạo

Tiền tệ suy chức năng của Zimbabwe đã buộc doanh nghiệp nước này phải tìm đủ kiểu sáng tạo để ứng phó; theo Warren Meares, giám đốc điều hành của Simbisa Brands, bên sở hữu Chicken Inn và một vài chuỗi đồ ăn nhanh khác.

Sự sụt giảm giá trị nhanh chóng của đồng ZWD khiến cho việc in lại thực đơn (với các món ăn được có giá bằng cả đồng tiền trong nước lẫn USD) trở nên quá đắt đỏ, bởi vậy mà họ lắp đặt luôn một màn hình để chiếu hình ảnh các món ăn cùng giá của chúng.

“Chúng tôi tốn khoảng 2.000-3.000 USD cho mỗi lần thay đổi giá món ăn,” ông Meares nói.

Những tấm voucher của Simbisa có in số seri và được thay thế mỗi 6 tháng một lần để tránh bị hỏng. Mặc dù chúng thiếu các đặc tính an toàn của tiền mặt, nhưng ông Meares tin rằng sẽ không có chuyện làm giả bởi giá trị của chúng chỉ khoảng 0,25 hoặc 0,5 USD.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận những voucher trị giá trên 3 hay 4 USD từ khách hàng,” ông nói. “Nó không đáng.”

Công ty này cũng cho ra mắt một ứng dụng có tên InnBucks cho phép khách hàng nhận tiền thừa thông qua smartphone của họ.

Giấy ghi nợ của chuỗi siêu thị Spar thì phức tạp hơn và có cả ảnh ba chiều. Họ đã phải thay thế tag điện tử ghi giá trên các kệ hàng do những tag cũ không đủ số để thể hiện mức giá theo đồng ZWD.

Những cửa hiệu nhỏ hơn thì có biện pháp khác. Họ có một quyển sổ ghi tên những khách hàng mà họ nợ tiền thừa để trả lại trong những lần thanh toán sau. Một số khách hàng do lo ngại rằng chủ cửa hàng không nhớ còn chụp ảnh hoặc quay phim những giao dịch bằng điện thoại của họ.

Nhà kinh tế học làm việc tại Harare, thủ đô Zimbabwe, Gift Mugano nói rằng mặc dù các tờ giấy nợ này có nhiều khuyết điểm, nhưng phần lớn người dân vẫn ưa dùng chúng.

“Người dân không tin vào đồng tiền của chính phủ phát hành, trong khi họ lại tin vào khu vực tư nhân hơn,” ông nói. “Khi tôi nhận được một voucher tại một nhà hàng, tôi biết chắc là nó sẽ được nhà hàng chấp nhận khi tôi quay lại đó ăn.”

Đồng rand có thời được sử dụng rộng rãi ở Zimbabwe (Ảnh: Reuters)

Đồng rand có thời được sử dụng rộng rãi ở Zimbabwe (Ảnh: Reuters)

Có thời điểm vào những năm 2010, nhiều doanh nghiệp còn quay sang sử dụng đồng rand của Nam Phi, lúc bấy giờ 10 rand đổi được 1 USD. Sau này, đồng rand cũng mất giá mạnh, nên nó không còn là đồng tiền thay thế được ưa chuộng nữa.

Thẻ ngân hàng cũng không được sử dụng rộng rãi, bởi nhiều người Zimbabwe giờ rút lương bằng đồng USD ngay khi nó được chuyển đến tài khoản của họ.

Ở một ngóc ngách của thủ đô Harare, Allen Mutonga và cửa hiệu tạp hoá nhỏ gần cửa hiệu cắt tóc của ông đã chung tay tạo nên một “liên minh tiền tệ” riêng. Khi khách hàng của ông Mutonga không có đồng tiền mệnh giá đúng để trả phí cắt tóc 5 USD, ông bảo họ sang cửa hàng bên cạnh để mua hàng và đổi tiền lẻ thông qua một hoá đơn viết tay của chủ cửa hàng đó.

“Tôi sẽ nhận hoá đơn này và hy vọng rằng họ sẽ có tiền lẻ trong ngày hôm sau,” ông nói. “Nếu họ không có thì tôi đem hoá đơn đi mua hàng"./.

Theo Wall Street Journal