Năm ngoái, Meta đã đầu tư 10 tỷ USD vào Facebook Reality Labs, một bộ phận phát triển các tiện ích và phần mềm thực tế ảo tăng cường. Bộ phận này chịu trách nhiệm hiện thực hóa tầm nhìn của người sáng lập Facebook, về một thế giới ảo có khả năng thay đổi mọi thứ, từ mua sắm đến đi chơi với bạn bè.
|
Rất nhiều sự cố đã được báo cáo trong thế giới ảo, liên quan đến các bình luận tiêu cực, phân biệt chủng tộc (Ảnh: CNN). |
Mark Zuckerberg thậm chí đã đổi tên công ty thành Meta, như một động thái thể hiện quyết tâm xây dựng metaverse (vũ trụ ảo). Tuy vậy, môi trường này cũng tồn tại rất nhiều vấn đề, như quấy rối và các hành vi không mong muốn khác. Những sự cố được báo cáo gần đây bao gồm các bình luận tiêu cực, phân biệt chủng tộc hay thậm chí là theo dõi, cưỡng hôn.
Các biện pháp bảo vệ sơ khai
Tình trạng quấy rối đã xuất hiện từ lâu trong không gian kỹ thuật số. Tuy nhiên, theo CNN, trên môi trường thực tế ảo, điều này có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
"Tôi nghĩ quấy rối là vấn đề cần phải được xem xét một cách nghiêm túc trong thế giới ảo, đặc biệt là khi chúng ta muốn biến nơi đây trở thành một không gian trực tuyến được chào đón. Bạn có thể đã thấy những hành vi tiêu cực xảy ra trong thế giới thực, nhưng tôi nghĩ nó có thể trở nên tồi tệ hơn trong môi trường thực tế ảo", Daniel Castro, Phó chủ tịch tại Information Technology & Innovation Foundation, cho biết.
Thực tế ảo không thể trở nên phổ cập với đại chúng trong một sớm một chiều. Meta đã bắt đầu với việc mua Oculus VR vào năm 2014. Trong những năm sau đó, công ty đã liên tục cho ra mắt nhiều mẫu kính VR với kích cỡ nhỏ gọn, cùng giá bán dễ tiếp cận hơn. Theo Jitesh Ubrani, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường IDC, điều này đã giúp cho các thiết bị thực tế ảo của Meta chiếm khoảng 80% lượng kính VR xuất xưởng trong năm 2021.
Khi nhiều người dành thời gian cho VR, hành vi xấu có thể xuất hiện nhiều hơn. Theo một báo cáo gần đây, các nhà nghiên cứu đã xác định được 100 hành vi vi phạm các chính sách của Meta, bao gồm quấy rối và lạm dụng tình dục, chỉ trong 11 tiếng rưỡi theo dõi hoạt động người dùng.
|
Hiện tại, nhiều công cụ bảo vệ người dùng chỉ phát huy tác dụng sau khi họ đã bị quấy rối (Ảnh: CNN). |
Với hy vọng ngăn chặn hành vi xấu, các ứng dụng VR xã hội thường cung cấp cho người dùng một số công cụ nhất định. Các công cụ này bao gồm khả năng thiết lập một bong bóng không gian cá nhân vô hình xung quanh để ngăn các hình đại diện khác đến quá gần, tắt tiếng những người bạn không muốn nghe, hoặc chặn hoàn toàn khiến họ không thể nhìn thấy, nghe thấy bạn và ngược lại.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến trong quá trình chúng tôi tìm hiểu thêm về cách mọi người tương tác trong những không gian này", Bill Stillwell, Giám đốc sản phẩm VR tại Meta, cho biết.
Gánh nặng cho nạn nhân
Tuy nhiên, vấn đề là nhiều công cụ chỉ phát huy tác dụng sau khi người dùng đã bị quấy rối. Guo Freeman từ Đại học Clemson cho rằng những công cụ này thậm chí có thể tạo ra gánh nặng cho các nạn nhân.
Một công ty có tên Modulate đã phát triển phần mềm ToxMod, sử dụng trí thông minh nhân tạo để theo dõi và phân tích những gì người dùng đang nói, từ đó dự đoán khi ai đó nói ra ngôn ngữ quấy rối hoặc phân biệt chủng tộc. Sau đó, ToxMod có thể cảnh báo người kiểm duyệt hoặc trong một số trường hợp có thể tự động tắt tiếng người dùng vi phạm.
Theo CNN, các nhà sản xuất ứng dụng đang phải vật lộn với những thách thức kiểm duyệt. Thị trường VR vẫn còn tương đối nhỏ so với các trò chơi điện tử, nhưng nó đang phát triển nhanh chóng. Theo ước tính từ IDC, gần 11 triệu chiếc kính VR đã được xuất xưởng vào năm 2021, tăng 96% so với con số 5,6 triệu chiếc xuất xưởng năm 2020.
ToxMod tương tự như cách nhiều công ty truyền thông xã hội đang kiểm duyệt nền tảng của họ, với sự kết hợp của con người và AI. Tuy nhiên, nó hiện diện rõ ràng hơn, phụ thuộc rất nhiều vào giao tiếp bằng giọng nói, thay vì bằng văn bản. Điều này có thể khiến một số người cảm thấy như thể họ đang bị theo dõi.
|
Meta hiện chiếm phần lớn thị trường kính thực tế ảo (Ảnh: CNN). |
"Đây chắc chắn là điều mà chúng tôi đang dành nhiều thời gian để suy nghĩ", Giám đốc điều hành Mike Pappas của Modulate cho biết.
Chưa có quy chuẩn rõ ràng
Thách thức lớn nhất khi đối phó với nạn quấy rối trong thế giới ảo nằm ở sự thiếu thống nhất về những yếu tố được coi là quấy rối. Có rất nhiều hình thức quấy rối mới xuất hiện, nhưng không thể xác định được đó có phải quấy rối không, hay chỉ là một trò đùa.
"Rất nhiều lần trong nghiên cứu của chúng tôi, những người tham gia đã cảm thấy bối rối về việc liệu đây có phải là hành vi đùa giỡn hay quấy rối", Freeman nói.
Những trải nghiệm trong thế giới ảo mang đến cảm giác rất thật. Một người phụ nữ báo cáo rằng một người dùng VR khác đã tiến đến gần hình đại diện của cô, trông giống như họ đang muốn hôn cô. Điều này khiến cô ấy cảm thấy sợ hãi bởi cảm giác mà nó mang lại không khác nhiều so với việc bị cưỡng hôn ở thế giới thực.
Theo Dân trí