Loay hoay tìm cách thu hồi nợ!
Sáng ngày 13/7, Sở KHĐT tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH vàng Phước Sơn (Thuộc tập đoàn Bersa) do nợ thuế kéo dài nhiều năm và chưa đáp ứng các yêu cầu trong việc khai thác và kinh doanh. Và tại buổi Họp báo Thông tin tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra chiều cùng ngày, vấn đề nợ thuế của hai Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn (thuộc tập đoàn Besra) thu hút sự quan tâm của báo giới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với Công ty Vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngưng hoạt động, đóng cửa mỏ và khôi phục môi trường tại khu vực. Qua báo cáo của UBND huyện Phú Ninh, Công ty này đưa hết công nhân ra ngoài, hiện còn bố trí lại 64 lao động để quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và đưa vật liệu nổ ra khỏi khu vực khai thác. Cửa mỏ đã bị đóng, khôi phục lại hiện trường.
Tuy nhiên có phát sinh lại tình trạng khai thác vàng trái phép và lực lượng chức năng đang bố trí lực lượng để kiểm soát và có phương án cụ thể để giải quyết tình trạng này", ông Nguyễn Hồng Quang cho biết.
Liên quan đến việc ra quyết định thu hồi đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH vàng Phước Sơn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm: "Sự việc liên quan đến yếu tố doanh nghiệp nước ngoài nên cần có sự tham mưu chặt chẽ nên chậm hơn so với dự kiến. Quan điểm là xử lý đúng quy định, giải quyết đầy đủ các vấn đề về nghĩa vụ tài chính, dân sinh,... phải đảm bảo trình tự pháp luật. Đồng thời tạo điều kiện tái cơ cấu nhưng phải tuân thủ pháp luật và đúng quy trình".
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc rút giấy phép đối với 2 công ty TNHH vàng Bồng Miêu và Phước Sơn cũng như nghĩa vụ thuế đối với tỉnh. Đặc biệt là hơn 2 năm nay, dù không được cấp hóa đơn, nhưng các công ty này vẫn ngang nhiên khai thác khiến sự việc trở nên phức tạp.
Ông Ngô Bốn, Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết: "Vấn đề nợ thuế và thu thuế đang được các ngành chức năng tỉnh xem xét. Hai Công ty Vàng Bồng Miêu và Phước Sơn nợ thuế rất lớn và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Sở dĩ nợ thuế lớn là do hai doanh nghiệp lỗ nhiều, trong đó có nhiều nguyên nhân như chính sách thuế tài nguyên tăng liên tục, kéo dài nên bế tắc trong việc thu thuế đối nợ thuế của hai Công ty này. Pháp luật Việt Nam đã quy định là Công ty TNHH thì họ tự chịu trách nhiệm trong giới hạn của họ chứ không có dòng tiền nước ngoài nào của Công ty mẹ ở nước ngoài chuyển vào Việt Nam để thanh toán số tiền nợ thuế nên chỉ còn cách là làm thủ tục phá sản".
Thu hồi thuế bằng... niềm tin!
"Về nguyên nhân để nợ thuế có nhiều nguyên nhân, do chúng ta yếu kém cũng có, do quản lý lỏng lẻo, do điều chỉnh tăng các mức thuế,...Và các nghành trung ương cùng với tỉnh bàn về vấn đề này rất nhiều nhưng giải quyết như thế nào những đến nay vẫn rất nan giải.
Và hiện có chủ trương tái cơ cấu là biện pháp tốt nhất để thu hồi thuế. Bởi việc phá sản và thu hồi toàn bộ nợ thuế là rất khó khăn vì phải tuân thủ theo quy trình thanh toán đối với doanh nghiệp phá sản. Tài chính của Công ty này đang âm nặng nên chỉ còn công bố phá sản thôi và Cục Thuế tỉnh cũng chỉ là chủ nợ để chia tài sản sau", Cục trưởng Cục thuế Quảng Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Ngô Bốn, tài sản máy móc của doanh nghiệp này còn lại khá hiện đại, ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đầu tư công nghệ tương đương hoặc cao hơn hai Công ty này nên quan điểm của lãnh đạo tỉnh và Bộ là ủng hộ phương án tái cơ cấu. "Ưu tiên đầu tiên là phải trả nợ thuế hàng trăm tỷ đồng của hai Công ty này. Và theo quy định pháp luật là mình đang cưỡng chế, phải qua nhiều bước và bước cuối cùng là rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như vừa rồi Sở KH-ĐT tỉnh đã thực hiện để thực hiện các thủ tục tái cơ cấu", ông Ngô Bốn nói.
"Việc Ngân hàng TMCP Việt Á nằm trong một tập đoàn tài chính mạnh, có một khối tài sản rất lớn và có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác vàng cho nên chúng ta chưa sai trong việc này. Việc bảo lãnh này phải bảo lãnh đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của ngân hàng và pháp luật về Thuế. Thư bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Việt Á đã được chấp thuận. Bảo lãnh trả nợ 334 tỷ đồng trong vòng 12 tháng thì nếu tháng nào không trả nợ thuế như cam kết thì Cục Thuế tỉnh sẽ ra quyết định cưỡng chế thuế ngay", ông Ngôn Bốn chia sẻ.
Tuy nhiên, trước câu hỏi đặt ra là tại sao tỉnh Quảng Nam không yêu cầu đơn vị bảo lãnh ký quỹ bảo lãnh như một khoản tài đảm bảo trả nợ thuế khi Ngân hàng TMCP Việt Á tiến hành tiếp quản tái cơ cấu mà chỉ là chứng thư bảo lãnh. Đại diện Cục Thuế Quảng Nam cho biết: "Mình không thể yêu cầu họ phải nộp vào một khoảng tiền được vì pháp luật không cho phép và việc bảo lãnh này đã có phía ngân hàng đảm bảo việc này rồi. Chúng ta hãy tin thử đến tháng 8 này chúng ta thu được như cam kết. Anh chị nhà báo ủng hộ theo dõi cùng chúng tôi để xem đến tháng 8 này sẽ thu được. Chúng ta hãy yên tâm".
Và với câu trả lời của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thì câu hỏi "Trách nhiệm ngành Thuế trong chuyện này khi hàng trăm tỷ đồng tiền nợ thuế của 2 công ty này vẫn không thu được. Và liệu có tình trạng tái cơ cấu, mua lại với giá "0 đồng" sau khi tái cơ cấu hay không?", vẫn chờ cây trả lời từ phía tỉnh Quảng Nam.