|
Tàu cá vỏ thép QNa 94679TS của ngư dân Trần Văn Liên phải nằm bờ hơn 1 năm nay vì hư hỏng máy |
Theo thông tin từ TAND tỉnh TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), cơ quan tố tụng này vừa tiếp nhận hồ sơ khởi kiện của ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chủ tàu cá vỏ thép QNa 94679TS (công suất gần 1.000 CV), đối với Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở tại phòng 606, tháp A1, tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vì chiếc tàu cá vỏ thép trị giá hơn 17 tỷ đồng của ông bị hỏng máy ngay từ khi chạy thử và đã phải nằm bờ suốt hơn năm qua.
Nguyên nhân khiến ngư dân này khởi kiện là do các đơn vị có liên quan chậm trễ khắc phục hư hỏng để tàu ra khơi. "Chiếc tàu được đóng mới theo Nghị định 67 với tổng số vốn hơn 17 tỉ đồng. Con tàu do Công ty Bảo Duy đóng phần thân. Phần máy tàu do Công ty Liên Á cung cấp là hàng của hãng Mitshubisi. Để đóng con tàu này, tôi phải bán tàu cũ của mình để lấy 800 triệu làm vốn đối ứng đóng tàu mới. Ngoài ra, tôi còn phải vay tiền ngân hàng để đóng tàu. Trước đây tôi rất chờ đợi con tàu mới này sẽ giúp mình bám biển dài ngày, đánh bắt lâu dài. Tuy nhiên, con tàu này trở thành ác mộng cho gia đình tôi suốt hơn năm qua”, ông Trần Văn Liên, chủ tàu QNa 94679TS bức xúc nói.
Theo ông Liên, chiếc tàu cá vỏ thép QNa 94679TS được hạ thủy vào tháng 3/2016 tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Tuy nhiên, ngay buổi chạy thử hôm đó con tàu đã bị hỏng máy và nằm bờ cho đến hiện nay. “Tàu chạy rô đa vài tiếng đồng hồ quanh âu thuyền Thọ Quang thì bị hỏng máy. Nó chỉ mới chạy rô đa chứ chưa chạy thử đường dài và chưa thực hiện các hoạt động khác. Tôi là ngư dân, không rành về máy móc nhưng tin rằng điều này có gì khuất tất. Máy đó được nói là máy Nhật, chính hãng có giá trị hơn 2 tỷ. Máy móc mà như vậy chắc chắn là có vấn đề.
Tôi yêu cầu các bên liên quan khắc phục cho tôi nhưng họ cứ đổ lỗi cho nhau khiến tôi thiệt hại gần tỉ đồng tiền bạn, chi phí ngân hàng,… Trước thái độ này, buộc tôi phải kiện cả hai ra tòa để các bên nhanh chóng khắc phục hư hỏng của con tàu của tôi để tôi còn ra khơi”, ông Liên nói.
Theo TAND TP Tam Kỳ, phiên tòa đã 2 lần mở xét xử nhưng đều bị hoãn bởi nhiều lý do. Còn ngư dân thì sống lay lắt, tìm đủ nghề để mưu sinh qua ngày và ôm khoản nợ từ sự cố của con tàu.
Tìm hiểu sự việc thì được biết tàu cá vỏ thép QNa94679 TS được Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy đóng và hoàn thiện theo đúng hợp đồng. Vỏ tàu bằng thép Nhật nhập khẩu. Riêng phần máy tàu do Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á cung cấp, lắp đặt.
“Đây là sự việc không hay ho và chúng tôi rất buồn khi phải gặp ngư dân tại tòa. Tàu QNa94679 TS gặp sự cố hỏng máy khiến chúng tôi cũng cũng khốn khổ theo. Tiền đóng tàu thì chỉ mới nhận 3 tỷ từ ngân hàng, trong khi bỏ ra số vốn ban đầu lên đến 10 tỷ đồng để đóng con tàu này.
Còn máy móc, khi lắp đặt và chạy thử thì đều có sự chứng kiến của Công ty Liên Á và ngư dân. Việc kiểm định máy móc trước khi lắp đặt cũng được hai bên tiến hành còn chúng tôi không tham gia. Tôi chỉ mong sao sự việc giải quyết càng sớm càng tốt để ngư dân vươn khơi”, ông Nguyễn Quang Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Bảo Duy cho biết.
Cũng theo phía Công ty Bảo Duy, sau sự cố hư hỏng máy tàu, Công ty Bảo Duy đã huy động, đóng góp 600 triệu đồng để mua phụ tùng thay thế như yêu cầu của Công ty Liên Á. Tuy nhiên sau đó, phụ tùng này không thể thay thế được vì máy bị hư hỏng quá nặng. “Chúng tôi rất thông cảm với ngư dân nên muốn sự việc nhanh chóng được giải quyết rõ. Đơn vị nào có trách nhiệm phải giải quyết ngay cho ngư dân”, đại diện Công ty Bảo Duy chia sẻ.