Tại buổi Họp báo, ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Đây là Hội thảo khoa học có quy mô lớn từ trước đến nay với hơn 70 tham luận và báo cáo nghiên cứu liên quan đến chữ Quốc ngữ cùng Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ diễn ra vào ngày 24/8.
Sự kiện có ý nghĩa khi góp phần làm sáng tỏ vai trò, ý nghĩa của Dinh trấn Thanh Chiêm đối với sự phát triển ngôn ngữ, văn hóa học của xứ Đàng trong và ý nghĩa trong việc phát triển chữ Quốc ngữ tại Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập Dinh trấn Quảng Nam (còn gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm) ban đầu tại xã Cần Húc, sau dời về xã Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Dinh trấn Thanh Chiêm được xác định là nơi thực tập việc quản lý, điều hành đất nước của các "thế tử" thời bấy giờ. Về quân sự, Dinh trấn nằm bên bờ sông lớn, nối biển Đông với Trường Sơn, cách Cửa Đại chừng 10km và trên trục đường Thiên Lý Bắc-Nam nên thuận lợi giao thông cả đường thủy và đường bộ.
Nơi đây từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh (chiến thắng hạm đội Hà Lan năm 1644, đánh bại 7 cuộc tấn công có quy mô của quân Trịnh,...); là bàn đạp để tiến hành cuộc Nam Tiến. Tại Thanh Chiêm-Hội An, từ năm 1617-1625 linh mục Francisco de Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho 2 giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio Fonte (người Bồ Đào Nha).
Đồng thời linh mục Francisco de Pina viết tài liệu giảng dạy: "Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt" và "Ngữ pháp tiếng Việt". Cũng như thừa nhận Thanh Chiêm là nơi học tiếng Việt là tốt nhất vì là trung tâm của triều đình.
Tại Thanh Chiêm còn có Trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên do Cha Bề trên và là thầy Francisco de Pina đảm trách.
Được biết, năm 2002 cũng đã có một cuộc Hội thảo tương tự, nhưng vẫn còn tranh cãi về Dinh trấn Thanh Chiêm là ở đâu cũng như vị trí xuất hiện chữ Quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam. "Sau cuộc khảo cổ học của GS Trần Quốc Vượng thì vị trí Dinh trấn đã được xác định rõ ràng và sẽ được cung cấp tại Hội thảo sắp tới cũng như vai trò của Dinh trấn đối với lịch sử Quảng Nam nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung. Tại Hội thảo sắp tới, các kết quả khảo cổ học liên quan đến Dinh trấn Thanh Chiêm của các nhà khoa học Nhật Bản cũng sẽ được công bố, làm căn cứ để phục dựng lại các hạng mục của Dinh trấn xưa cũng như công tác truyền bá chữ Quốc ngữ tại nước ta"- ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
"Đây là vấn đề rất mới, trong việc sáng tạo và truyền bá chữ Quốc ngữ tại Việt Nam - nay là Tiếng Việt - với vai trò của 2 giáo sĩ sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio Fonte (người Bồ Đào Nha) trong truyền bá chữ Quốc ngữ tại Việt Nam"- ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Được biết, tại Hội thảo lần này có 33 tham luận của các nhà nghiên cứu Quảng Nam cùng nguồn tư liệu quý khẳng định về vị trí, vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử đất nước cũng như truyền bá chữ Quốc ngữ. Hội thảo sẽ được tiến hành thảo luận thành 3 nhóm chủ đề lớn gồm: Nhóm làm sáng tỏ vai trò, vị trí của Dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử xứ Đàng trong; Nhóm nghiên cứu về mối liên quan giữa Dinh trấn Thanh Chiêm với sự ra đời của chữ Quốc ngữ; và Nhóm nghiên cứu liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử-văn hóa của Dinh trấn Thanh Chiêm.