|
Quầng hào quang tại TP.HCM sáng 16/6. Ảnh: Internet |
Sáng 16/6, hiện tượng quầng hào quang xảy ra tại nhiều vùng trên cả nước. Người dân đã rất bất ngờ và thích thú khi chứng kiến quầng ánh sáng bao quanh mặt trời. Hiện tượng này kéo dài hàng giờ và dễ quan sát trong điều kiện trời không có quá nhiều mây. Người dân đã chụp hình ghi lại hiện tượng này với sự thích thú và đăng tải trên mạng xã hội. Thực chất đây là hiện tượng thiên văn học rất thú vị và hiếm gặp.
|
Quầng hào quang rực rỡ ở Vinh. Ảnh: Internet
|
|
Quầng hào quang ở Bình Dương: Ảnh: Ineternet
|
|
Quầng hào quang xảy ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NLĐ
|
Theo tờ VNE, quầng hào quang rực rỡ quanh mặt trời là hiện tượng quang học xảy ra khi ánh sáng khúc xạ nhiều lần theo góc 22 độ. Hiện tượng này rất hiếm gặp. Sự kết hợp giữa hóa học, vật lý và hình học là nguyên nhân dẫn đến quầng hào quang.
Bầu khí quyển bao gồm nhiều loại khí oxy, nitơ và hơi nước. Khi ở một độ cao nhất định, hơi nước bị cô đặc, đông cứng thành tinh thể băng. Ánh sáng mặt trời chiếu qua tinh thể băng sẽ tạo ra khúc xạ. Do không có ánh sáng phản xạ vào bên trong vòng cung nên vòng cung sẽ tối hơn bầu trời xung quanh và tạo thành một "lỗ trên bầu trời".
Theo nghiên cứu của Đại học Illinois ở Urbana-Champaign (Hoa Kỳ), những tinh thể băng hình lục giác có hướng ngẫu nhiên với đường kính chưa đến 20,5 micromet là điều kiện cơ bản tạo ra quầng hào quang. Quá trình khúc xạ ánh sáng diễn ra với mọi nguồn sáng, do đó quầng mặt trăng cũng được hình thành theo cách thức tương tự.
Quầng mặt trời hoặc quầng mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa. Các tinh thể băng hình thành là điều kiện đầu tiên để hình thành quầng hào quang. Nó được hình thành và thường xuất hiện ở những đám mây ti ở độ cao lớn. Những đám mây này có thể xuất hiện nhiều ngày trước khi có khối khí nóng hoặc lạnh mang mưa đến. Tuy nhiên, không phải mọi đám mây ti đều đi kèm bão. Một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng.
Trước đó, vào tháng 5/2017, hiện tượng quầng hào quang đã xảy ra ở Huế và Quảng Nam. Người dân rất thích thú khi chứng kiến quầng hào quang rực rỡ bao quanh mặt trời.