Công nghệ “bắt bệnh”, nhận biết cây sắp đổ ngã

VietTimes – Các công nghệ hiện đại là yếu tố giúp con người chăm sóc, phát hiện cây bị mục ruỗng, sâu bệnh hiệu quả hơn.
Cây bị mục ruỗng, ngã đổ gây nguy hiểm. Ảnh: Vietnamnet
Cây bị mục ruỗng, ngã đổ gây nguy hiểm. Ảnh: Vietnamnet

Bê tông hóa khiến cây dễ đổ 

Tình trạng cây ngã đổ gây nguy hiểm cho con người đã không còn xa lạ trong nhiều ngày qua. Nhiều loại cây từ phượng vĩ đến bạch đàn, cây tán rộng,... liên tục đổ bất ngờ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, thậm chí có vụ việc đã gây ra tử vong cho con người.

Bàn về nguyên nhân cây phượng cũng như một số loại cây khác liên tục ngã đổ, đặc biệt trong mùa mưa gió, trên tờ Dân Trí, GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, cho biết mức độ bê tông hóa như hiện nay đã ảnh hưởng đến rễ cây rất nhiều.

Bê tông hóa khiến rễ cây thiếu không khí,... dễ dẫn đến ngã đổ. Ảnh: Internet
Bê tông hóa khiến rễ cây thiếu không khí,... dễ dẫn đến ngã đổ. Ảnh: Internet

Quá trình làm sân đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây khiến cây bị dễ đổ, đặc biệt là loại cây có rễ ăn nổi, ngang, không đâm sâu xuống đất như phượng vĩ. Những lớp bê tông dày khiến toàn bộ lớp rễ nằm bên dưới bị yếm khí, không hô hấp được nên sẽ chết dần theo thời gian.

Việc xây bồn xung quanh gốc cũng khiến đất thiếu không khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây dẫn đến ngã đổ. Nhìn qua chúng ta thấy cây tươi tốt nhưng có thể phần bên dưới đã bị mục ruỗng.

Để khắc phục tình trạng cây ngã đổ, TS. Trần Văn Chứ cho rằng khi trồng cây làm bóng mát, cần chọn cây có kích thước vừa phải, đường kính khoảng 6-8 cm, cao khoảng 4-5 m là phù hợp. Đồng thời, cần có chế độ chăm sóc cây xanh 1 cách khoa học, đưa cây lớn tuổi vào diện theo dõi sát sao để có phương án đảm bảo an toàn.

Công nghệ "bắt bệnh" cho cây xanh 

Tuy nhiên, cây bị mục ruỗng thường khó phát hiện, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, các công nghệ hiện đại cũng là yếu tố giúp con người chăm sóc, phát hiện cây bị mục ruỗng, sâu bệnh hiệu quả hơn.

Theo tờ tạp chí Thế giới số, nhiệt kế hồng ngoại là thiết bị được sử dụng để phân biệt sự khác biệt nhiệt độ bề mặt giữa lá và tán cây, đưa ra phân tích sự khác biệt về màu sắc. Kết quả sẽ hiển thị thông qua hình ảnh nhiệt, theo đó kỹ sư, người giám sát sẽ biết tình trạng sức khỏe của cây. Khi phát hiện cây có vấn đề, họ sẽ tiến hành các bước can thiệp chuyên môn.

Tuy nhiên, nhiệt kế thiếu tính đặc hiệu đối với các bệnh nhiễm trùng và không phân biệt được các loại các bệnh tạo ra từ kiểu nhiệt.

Để kiểm tra sức khỏe của cây, các nhà khoa học đã sáng chế ra kỹ thuật siêu âm. Kỹ thuật này có thể thu thông tin về sức khỏe cây trong phạm vi từ 350-2.500 nm. Nó cung cấp cách phân tích nhanh về dữ liệu hình ảnh, bằng cách thu thập dữ liệu theo 3 trục X, Y, Z. Bằng không gian 3 chiều, người giám sát có thể phát hiện cây bị bệnh bằng cách đo sự thay đổi đặc tính sinh lý và sinh hóa của cây khi nhiễm bệnh.

Hiện, kỹ thuật đang ngày được sử dụng phổ biến để xác định kiểu hình cây và xác định bệnh của cây trên diện rộng.

Tuy nhiên, thông tin từ tờ PLO, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp cho rằng kỹ thuật siêu âm - máy siêu âm có nhiều ý nghĩa đối với việc kinh doanh gỗ hơn là chăm sóc cây xanh đô thị. Thiết bị này có thể phát hiện cây bị rỗng ruột nhưng có bị ngã đổ hay không còn phụ thuộc vào bộ rễ, vào tán lá. Do đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa cây rỗng ruột và nguyên nhân ngã đổ mới đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng thiết bị này.

Nhiệt kế hồng ngoại. Ảnh: Thế Giới Số
Nhiệt kế hồng ngoại. Ảnh: Thế Giới Số

Bên cạnh đó, chúng ta có thể dùng thiết bị cảm biến cầm tay để nhận biết sức khỏe của cây. Tùy thuộc vào nguyên lý hoạt động của cảm biến, thiết bị sẽ phân tích dựa trên các tín hiệu hóa học, điện hóa, quang học, từ tính,… Một số loại cảm biến cầm tay có sự hỗ trợ của AI, giúp việc giám sát và chẩn đoán bệnh của cây đạt hiệu quả hơn.

Một cách khác nhận biết sức khỏe của cây là đo áp suất từ nhựa cây. Phương pháp này giúp ta xác định cây có bị mục ruỗng hay không. Các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi “bọt khí” trong nhựa, phản ánh trạng thái “thủy lực” của ống dẫn để nhận biết áp lực của dòng nhựa đang lưu thông trong thân cây hay trong 1 mẫu gỗ nhỏ. Theo đó, họ có thể dự đoán khả năng cây vẫn còn duy trì sự sống hay sắp sửa và đang trở thành cây chết.

Tuy nhiên, các phương pháp nêu trên chỉ mang tính hỗ trợ con người trong việc phát hiện vấn đề sức khỏe của cây để có phương pháp dự phòng, ngăn nguy hiểm. Cho đến nay, không một phương pháp nào dự báo chính xác khả năng cây bị ngã đổ khi nào.

Trên tờ Pháp luật, ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội cho biết nhiều máy móc hiện đại cũng chỉ kiểm tra được bên dưới, còn trên cành cao mục bên trong thì rất khó đánh giá. Hơn nữa, cây xanh biến đổi hàng ngày, chịu ác động của thổ nhưỡng, quá trình thi công xây dựng, khí hậu... nên khó có thể kiểm soát độ an toàn.

Theo ông Mạnh, chúng ta nên kiểm tra chất lượng cây thường xuyên và cắt sửa thường xuyên cành những cành bị sâu, mục,... để làm thoáng hệ thống tán cây, giảm áp lực lên bộ rễ. Nhờ đó, sẽ tránh việc cây ngã đổ trong mùa mưa, mang lại sự an toàn cho con người cũng như sự sinh trưởng của cây.