Công nghệ có giúp giải bài toán giảm mặn vùng đồng bằng Sông Cửu Long?

VietTimes – Đồng bằng Sông Cửu Long đã bước vào mùa mưa nên tình trạng xâm ngập mặn đã có phần thuyên giảm. Tuy nhiên, dự đoán trong tương lai tình hình xâm ngập mặn ở vùng này vẫn sẽ còn báo động, nên cần có giải pháp thủy lợi, công nghệ,... hiệu quả.
Nông dân khóc ròng trong hạn mặn 2020. Ả: Vietnamnet
Nông dân khóc ròng trong hạn mặn 2020. Ả: Vietnamnet

Xâm nhập mặn làm thiệt hại hàng loạt lúa, hoa màu

Đầu năm 2020, các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đối diện với hạn mặn khốc liệt nhất từ trước đến nay.

Trên tờ PLO, ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết diễn biến xâm nhập mặn năm nay rất phức tạp. Độ mặn tăng cao đột biến, xâm nhập sớm, vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016.

Tỉnh Tiền Giang đã tổ chức bốn điểm bơm với 26 máy bơm để cung cấp nước ngọt cho người dân. Tính đến 2/2020, Tiền Giang đã bơm trên 20 triệu lít nước vào kênh để người dân bơm lên đồng ruộng.

Tỉnh Bến Tre cũng là một trong những nơi bị xâm nhập mặn nghiêm trọng. Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, ngập mặn xâm nhập sâu vào ruộng đồng, hoa màu gây thiệt hại cao. Vụ đông xuân vừa qua, tỉnh này bị thiệt hại 5.059/5.287 ha lúa.

Bến Tre có nhiều công trình dự án kiểm soát mặn nhưng chưa khép kín nên hiệu quả phát huy tác dụng chưa cao. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với địa phương khảo sát và thống kê thiệt hại.

Thống kê tại các tỉnh miền Tây, không chỉ lúa, hàng chục ngàn hecta cây ăn trái bị chết nhánh, khô lá, rụng trái do ngập mặn, không đảm bảo cho việc thả con giống, chăn nuôi heo, bò,... Ngoài ra xâm nhập mặn còn làm cho hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nên phải đi mua nước từ nơi khác về dùng.

Đến giữa tháng 4/2020 đã có 6 tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An và Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn.

Người dân đổ xô đi lấy nước ngọt về dùng. Ảnh: Thanh Niên
Người dân đổ xô đi lấy nước ngọt về dùng. Ảnh: Thanh Niên

Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hoàng Lam - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bến Tre, cho biết tính đến nay độ mặn trên các nhánh sông chính như sông Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên đang có xu hướng giảm. Trên sông Cửa Đại, nước ngọt có khả năng xuất hiện lúc triều thấp ở phía thượng nguồn, cách cửa sông 43km; sông Hàm Luông nước ngọt xuất hiện ở khu vực xã Tiên Long (huyện Châu Thành); sông Cổ Chiên nước ngọt xuất hiện cách cửa sông khoảng 48km.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An, hiện đã bước vào mùa mưa nên độ mặn trên các tuyến sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Tây và sông Tra đang tiếp tục giảm dần mỗi ngày 0,1-3,1 gam/lít.

Dù vậy, chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người dân kiểm tra kỹ nước để chắc chắc không ảnh hưởng đến hoa màu, vật nuôi. Bài toán về chống xâm ngập mặn tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long vẫn chưa có lời giải dứt điểm.

Loay hoay tìm giải pháp chống xâm ngập mặn

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn, các bộ, ban, ngành và người dân cả nước đã chủ động hỗ trợ bằng nhiều biện pháp: xây dựng các đập thủy lợi; chuyên chở nước ngọt đến các xã, hộ gia đình; hướng dẫn, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản – cây ăn quả – lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Đặc biệt là ở các vùng không chủ động nguồn nước, bị xâm nhập mặn.

Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động với dữ liệu được cập nhật liên tục qua hệ thống Internet. Ảnh: Báo Vĩnh Long
Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động với dữ liệu được cập nhật liên tục qua hệ thống Internet. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Bên cạnh các giải pháp nêu trên,...chúng ta luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp công nghệ: trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn,lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động, mở rộng mạng lưới đường ống, nâng công suất nhà máy cấp nước, lắp đặt vòi nước công cộng,...

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ thi công những dự án thủy lợi, kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô này. Hạ tầng trang thiết bị dự báo, giám sát độ mặn và xâm nhập mặn cũng được quan tâm đầu tư đúng mức để kịp thời triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn.

Theo tác giả Trang Nguyễn - Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, hiện nay trên thế giới đã có trên 110 triệu sáng chế được công bố trên tất cả các lĩnh vực. 

Bên cạnh hệ thống phân loại IPC, đi sâu vào các lĩnh vực chi tiết hơn, Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cùng phát triển hệ thống phân loại sáng chế hợp tác (CPC) có hiệu lực từ ngày 01/1/2013. 

Hệ thống CPC có nôi dung liên quan đến các công nghệ và thiết bị làm giảm nhẹ hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn nước, cấp nước hiệu quả, sử dụng nước hiệu quả.

Đặc biệt, chúng ta có thể khai thác công nghệ này trên lãnh thổ Việt Nam mà không phải xin phép. Việc nghiên cứu áp dụng thành quả sáng tạo từ thế giới cũng là một trong những cách tháo gỡ khó khăn.

Theo tác giả Trang Nguyễn, chính quyền và người dân cùng phải “chuyển mình”, đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ từ thế giới sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của Đồng bằng sông Cửu Long. Sự tham gia của các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình thực tế hóa công nghệ thu được từ khai thác thông tin sáng chế.

Trên tờ PLO, ThS Kỷ Quang Vinh - nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết dự đoán thời gian tới hạn mặn sẽ diễn ra ngày càng nhiều hơn, bên cạnh đó vẫn có thể xảy ra những trận lũ lụt kinh hoàng. Việc thực hiện các giải pháp từ công trình thủy lợi, chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, cho đến công nghệ lọc nước thì đều phải thực hiện đồng bộ giữa các địa phương mới phát huy tác dụng, có thể cứu đồng bằng Sông Cửu Long khỏi hạn mặn.