|
Quang Hải sẽ về đâu? |
Theo ông Nguyễn Đắc Văn, người đại diện của Quang Hải tiết lộ, có khá nhiều lời mời từ các CLB châu Âu, châu Á và cả ở Mỹ dành cho Quang Hải. "Tổng cộng, tôi đang có trong tay khoảng 14-15 lời đề nghị. Đây là chuyện bình thường, bởi chuyên môn của Quang Hải đã được chứng minh. Một cầu thủ tốt luôn có giá trị, và luôn có những lời mời”, ông Đắc Văn khẳng định.
Thử thách mới
Trước hết, phải khẳng định, không phải Quang Hải mà bất cứ cầu thủ bóng đá nào khi đã đoạt hết các danh hiệu thì họ cần phải có thử thách mới để phát triển sự nghiệp. Trong màu áo CLB Hà Nội, Quang Hải đã đạt hết mọi danh hiệu quốc nội cao quý nhất (3 chức vô địch V.League, 2 Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia, Quả bóng Vàng cá nhân…).
Nhìn ra khu vực nếu năm 2017, Chanathip sinh năm 1993 không rời Muang Thong United sang J1.League thi đấu thì người ta không thể thấy một tiền vệ tài hoa đến thế. 6 năm trời thi đấu ở Nhật Bản, nhất là khi được nhà vô địch J1.League Kawasaki mời chào thì Chanathip đã vươn lên đẳng cấp châu Âu. Với tuổi 25, Quang Hải, đang đứng trước thử thách “bây giờ hoặc không bao giờ”, nếu xuất ngoại muộn nền tảng thể lực suy giảm, mọi việc còn khó hơn.
Thực ra, nếu ra nước ngoài thi đấu thì việc tham dự SEA Games 31 hoặc AFF Cup 2022 của Quang Hải hẹp lại đáng kể bởi các giải đấu này không nằm trong hệ thống các giải đấu FIFA. Đồng nghĩa với các CLB không có nghĩa vụ nhả cầu thủ cho đội tuyển Việt Nam và Quang Hải khó có ngoại lệ. Nhưng rõ ràng, nếu được tập luyện và thi đấu ở các giải đấu cao hơn V.League thì Quang Hải mới có điều kiện nâng cao trình độ. Điều này về lâu dài vẫn có lợi cho Quang Hải và đội tuyển quốc gia, nếu Quang Hải thành công sẽ tạo ra tiền vệ tốt cho các ngôi sao Việt Nam.
|
Vấn đề quan trọng lúc này là Quang Hải phải chọn được bến đỗ phù hợp với năng lực, sở trưởng của mình. Ảnh HNFC |
Hồi hộp trông chờ
Vấn đề quan trọng lúc này là Quang Hải phải chọn được bến đỗ phù hợp với năng lực, sở trưởng của mình. Mới đây nhất, người đại diện Nguyễn Đắc Văn đã từng đưa Văn Hậu sang Heerenveen khi anh mới 21 tuổi, có sức trẻ, chuyên môn, thể hình, thể lực thuộc dạng hiếm ở Việt Nam nhưng và rồi cũng phải trở về nước. Trước đó, Công Phượng, tiền đạo HAGL có đẳng cấp của sân cỏ Việt Nam nhưng vẫn nhận cái kết buồn khi không thể trụ lại Bỉ. Dường như châu Âu là miền đất “lành ít dữ nhiều” đối với cầu thủ châu Á, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc từ môi trường sống, ngôn ngữ cho đến văn hóa và lối đá trên sân.
Bóng đá châu Âu thiên về sức mạnh, tốc độ và đòi hỏi nền tảng thể lực. Các cầu thủ luôn thi đấu máu lửa và không ngại va chạm, không cho đối phương có không gian, thời gian xử lý bóng. Chanathip, Quang Hải vẫn còn thua kém rất nhiều so với các cầu thủ tầm trung Châu Âu hiện tại, từ thể hình, thể lực, phù hợp chiến thuật, gắn kết đến cả chuyên môn cá nhân. Điều đó lý giải vì sao cầu thủ hay nhất Đông Nam Á hiện nay Chanathip cũng mới chỉ dừng ở Nhật Bản mà chưa dám nghĩ đến trời Âu.
Nên điều người hâm mộ Việt Nam mong muốn nhất lúc này là Quang Hải tìm được CLB phù hợp để phát huy sở trường, được ra sân thi đấu nhiều. Thành công của Quang Hải sẽ mở đường cho các cầu thủ Việt Nam khác xuất ngoại.