|
Đoàn Thanh tra Sở TT&TT kiểm tra việc thực hiện quy định về gán nhãn cho thiết bị thu xem truyền hình số. Ảnh: Theo Sở TT&TT Quảng Bình |
Tại thời điểm thanh tra, các cửa hàng chưa cung cấp được giấy chứng nhận hợp quy và bản công bố hợp quy.
Theo tin từ Sở TT&TT Quảng Bình, mới đây Đoàn thanh tra Sở TT&TT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công bố, gắn dấu hợp quy, nhãn hàng hóa, biểu trưng số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Đoàn Thanh tra đã kiểm tra việc thực hiện công bố và gắn dấu hợp quy theo quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 31/10/2011 của Bộ TT&TT, việc gắn nhãn hàng hóa, gắn dấu hợp quy, gắn biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và hướng dẫn tại công văn số 271/CVT-CL ngày 14/3/2014 của Cục Viễn thông; Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh và các hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa.
Qua kiểm tra, các đơn vị kinh doanh thiết bị này đều có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm kinh doanh có gắn nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình mặt đất.
Tuy nhiên vẫn còn một số cửa hàng kinh doanh các tivi nhãn hiệu như Asanzo, Skyworth, Darling trên 32 inch được sản xuất sau ngày 1/4/2014 chưa được dán biểu trưng số hóa truyền hình. Tại thời điểm thanh tra, các cửa hàng chưa cung cấp được giấy chứng nhận hợp quy và bản công bố hợp quy.
Đoàn đã tiến hành lập biên bản nhắc nhở các chủ cơ sở kinh doanh, đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền các quy định nhà nước về công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy, nhãn hàng hóa, biểu trưng số hóa truyền hình, quy định về xử lý các hình thức vi phạm...
Sau đợt thanh tra, Sở TT&TT Quảng Bình sẽ có công văn chỉ đạo các Phòng Văn hóa thông tin tổ chức hướng dẫn các đơn vị kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn nắm và thực hiện các quy định về kinh doanh thiết bị thu truyền hình số mặt đất; thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc kinh doanh thiết bị thu truyền hình số mặt đất tại địa phương.
|
Đoàn Thanh tra đã kiểm tra tại chi nhánh SCTV Quảng Bình hồi tháng 3/2016. |
Trước đó, vào tháng 3/2016, Sở TT&TT Quảng Bình cũng tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh. Kết quả thanh tra cho thấy các đơn vị gồm VNPT, Viettel, FPT và SCTV đã cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, cụ thể về Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, Giấy phép thiết lập hạ tầng mạng truyền hình trả tiền, Giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh chương trình truyền hình trả tiền; cung cấp đủ các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương; chất lượng dịch vụ cơ bản đảm bảo cho khách hàng, có phương án bảo đảm an toàn khắc phục sự cố, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá dịch vụ.
Tuy nhiên, còn có một số vấn đề chưa thực hiện tốt như: chưa cài tên và biểu tượng đầy đủ trên các kênh được phát; chưa thực hiện đầy đủ các báo cáo định kỳ theo quy định; chưa kịp thời hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch hạ tầng; việc lắp đặt mạng cáp, dây thuê bao chưa đảm bảo Quy chuẩn quốc gia QCVN 33:2011/BTTTT, nhiều sợi cáp treo băng qua đường giao thông chưa có thẻ nhận diện và biển báo độ cao, tủ cáp trên cột nằm ở vị trí giao nhau của đường giao thông, cáp vào ra tủ cáp chưa được đặt trong ống nhựa hoặc thanh dẫn cáp; cung cấp thiết bị đầu cuối không có tem hợp quy; chất lượng dịch vụ analog ở số vùng chưa cao, nhất là truyền hình cáp SCTV ở khu vực Ba Đồn...
Đoàn thanh tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh và hướng dẫn các đơn vị nhanh chóng khắc phục các hạn chế, tổ chức cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đảm bảo quy định của pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về việc Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2016.
Theo ICT News