Biết rõ phương thức, thủ đoạn...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Bính, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, thừa nhận thị trường phân bón hiện vẫn còn “nhiều cửa” cho các loại phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng phát triển... Ông Bính cho rằng “điều đó đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe nhân dân và môi sinh, môi trường”.
Vì sao hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả (không có giá trị sử dụng); phân bón không đảm bảo chất lượng (thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức quy định); phân bón giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ... là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đang diễn ra khá phổ biến?
Theo ông Đỗ Văn Phước, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, để thực hiện các hành vi phạm pháp này, các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng... đã sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn. Ví dụ: họ gắn dấu hiệu trên bao bì tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng nhưng bán với giá thấp; trộn hàng giả với hàng thật rồi áp dụng khuyến mãi bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn...
Tinh vi hơn, các cơ sở sản xuất phân bón giả, không đảm bảo chất lượng của tỉnh này đem bán cho các đại lý ở tỉnh kia với giá rẻ và mỗi nơi bán với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh, trốn tránh việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng.
Thậm chí, các đối tượng này còn lợi dụng lòng tin, trình độ nhận thức hạn chế của nông dân, tổ chức cả “hội nghị đầu bờ” khẳng định phân bón mình sản xuất đảm bảo chất lượng - thể hiện trên nhãn, bao bì dòng chữ: “Phân bón cao cấp 10.10.5” rất lớn nhưng các thành phần hàm lượng dinh dưỡng của thì ghi bằng tiếng nước ngoài...
Ông Phước còn cho biết, phân giả, không đảm bảo chất lượng thường có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng được thiết kế đẹp, rất khó phân biệt với hàng thật; nhưng để ý sẽ thấy nhãn hàng hóa nhập khẩu ghi xuất xứ không đúng quy định. Ví dụ như phân bón sản xuất tại Trung Quốc nhưng trên nhãn lại ghi “Made in PRC”, “Sản xuất tại PRC”; hay ghi “Technology from USA”, “Technology from Philippines”... nhưng sản xuất bằng công nghệ Trung Quốc.
“Các trường hợp ghi nhãn mập mờ, sai lệch về bản chất xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, công nghệ sản xuất nêu trên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong việc xác định xuất xứ, nguồn gốc và lựa chọn mua hàng hóa...”, ông Phước nói.
Một phương thức khá phổ biến nữa của các đối tượng sản xuất phân bón giả, đó là, quy mô sản xuất nhỏ, thủ công, sử dụng công cụ thô sơ như cuốc, xẻng. Đặc biệt, đối tượng sản xuất thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin thủ tục cấp phép sản xuất, công bố chất lượng nhưng thực tế không có nhà máy sản xuất; chỉ thuê các cơ sở khác gia công phân bón giả, không đảm bảo chất lượng. Nên khi bị kiểm tra, lấy mẫu gửi thử nghiệm chất lượng, phát hiện có vi phạm thì đối tượng bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh.
Kẽ hở pháp luật quá lớn!
Các phương thức, thủ đoạn này đã được lực lượng quản lý thị trường biết rõ nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc xử lý, xử phạt.
Ông Nguyễn Minh Trung, ở Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, kể lần nào họp HĐND tỉnh, các đại biểu cũng chất vấn cơ quan quản lý thị trường về chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường nhưng quả thật rất khó trả lời. Ông Trung nói rằng Nghị định 163 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp không trao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cho quản lý thị trường.
Theo quy định hiện hành, chỉ có thanh tra chuyên ngành của sở công thương mới được xử phạt hành chính hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Và, để xử phạt được, cơ quan quản lý thị trường phải lấy mẫu, gửi đi kiểm nghiệm chất lượng tại các trung tâm kiểm nghiệm... Chỉ sau hai lần kiểm nghiệm cho cùng kết quả phân bón không đạt chất lượng thì quản lý thị trường mới chuyển hồ sơ cho thanh tra chuyên ngành ra quyết định xử phạt.
Quy trình này, theo ông Trung là “không ổn”. Bởi lẽ, trong quá trình lấy mẫu kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm (thường từ ba, bốn tháng), cơ quan quản lý thị trường không được tạm giữ hàng hóa, nên khi có kết quả kiểm nghiệm có vi phạm (mới được tạm giữ) thì các đối tượng đã bán hết số phân không đảm bảo chất lượng ra thị trường rồi. Cho nên, sau khi có kết quản kiểm nghiệm để làm căn cứ xử lý, chỉ còn áp dụng được hình thức phạt chính là phạt tiền, còn biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại hàng cho cơ sở sản xuất để tái chế không áp dụng được.
Một khó khăn nữa cũng được ông Trung chỉ ra, đó là kết quả kiểm nghiệm chất lượng của các trung tâm kiểm nghiệm không giống nhau. Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Tháp đã lấy 39 mẫu phân bón gửi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 kiểm nghiệm, kết quả có 12 mẫu không đạt chất lượng. Khi đề nghị kiểm nghiệm lại lần 2 tại Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ thì chỉ có 5/12 mẫu không đạt chất lượng. “Giữa các trung tâm kiểm nghiệm chưa có sự đồng nhất về kết quả, gây khó khăn cho công tác xử lý”, ông Trung nói.
Ông Đỗ Văn Phước cho biết: đa số các trường hợp kiểm lần một không đạt chất lượng nhưng kiểm nghiệm lần hai lại đạt chất lượng. Tại sao vậy? Theo ông Phước, Bộ Công Thương phải quản lý chặt chẽ các trung tâm kiểm định trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm nghiệm phân bón vì “trong vấn đề này, chắc chắn có tiêu cực!”.
Một kẽ hở pháp luật khác cũng được ông Phạm Văn Cường, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng, đề cập. Cụ thể, khoản 3, điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương”.
Tuy nhiên, điều 38, Nghị định 163 lại quy định: “Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón thuộc phạm vi quản lý xảy ra tại địa phương”.
Thực tế, đa số phân bón lưu thông trên thị trường tỉnh Lâm Đồng là của các đơn vị sản xuất có trụ sở, nhà máy sản xuất ngoài tỉnh Lâm Đồng. Cho nên, hành vi sản xuất phân bón kém chất lượng là hành vi xảy ra tại địa phương khác, không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các cấp của Lâm Đồng. Dù quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa của Chính phủ có quy định cách xử lý trong trường hợp nói trên nhưng trên thực tế, theo ông Cường, các địa phương phối hợp chưa tốt.
Một “kẽ hở mềm” khác cũng quan trọng, là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đạt chuẩn chất lượng thường ngại tố giác hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng của các doanh nghiệp khác vì sợ người dân biết phân bón của mình bị làm giả và tẩy chay, ảnh hưởng đến doanh số.
Do đó, cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón. Tất nhiên, cũng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...
Theo TBKTSG