|
Tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc |
Tàu hải cảnh "quái thú"
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 10/5 dẫn báo chí Mỹ cho hay tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới của Trung Quốc mang số hiệu 3901, lượng giãn nước 12.000 tấn, vừa hoàn thành hoạt động "tuần tra" lần đầu tiên ở Biển Đông.
Phân cục Biển Đông của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết tàu cảnh sát biển này mang theo 17 nhân viên và 2 máy bay không người lái, đã tiến hành "tuần tra" trên không và quan sát trên biển đối với 12 đảo và lên "kiểm tra" 15 đảo trong thời gian 19 ngày, nhằm bảo vệ cái gọi là "quyền lợi biển" của Trung Quốc. Nhân viên trên tàu đã điều khiển máy bay không người lái tiến hành do thám các đảo.
Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho hay mục đích hoạt động này là để bảo đảm "kịp thời phát hiện và xét xử những hành vi vi phạm pháp luật trong khu vực kiểm soát ở Biển Đông, đồng thời nắm chắc tình hình bảo vệ sinh thái của đảo và các vùng biển xung quanh".
Tàu cảnh sát biển số hiệu 3901 là tàu cùng loại với tàu cảnh sát biển số hiệu 2901. Tàu cảnh sát biển 2901 đi vào hoạt động từ năm 2015. Còn tàu cảnh sát biển 3901 được chế tạo ở nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải, được gọi là "quái thú" do có lượng giãn nước khoảng 12.000 tấn.
Chiếc tàu cảnh sát biển này của Trung Quốc còn lớn hơn 50% so với tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ, cũng lớn hơn tàu khu trục lớp Arleigh Burke lượng giãn nước 9.700 tấn của Mỹ. Ngoài ra, nó còn lớn hơn nhiều tàu tuần tra lớp Shikishima lượng giãn nước 6.500 tấn Nhật Bản.
Tàu cảnh sát biển 3901 có tốc độ cao nhất là 25 hải lý/giờ, trang bị pháo bắn nhanh cỡ nòng 76 mm, 2 pháo phụ 40 mm và 2 khẩu súng máy bắn cao. Nó còn có sàn đỗ và nhà chứa máy bay trực thăng. Nó được trang bị vũ khí tương đối mạnh, khác với những tàu cảnh sát biển khác.
Những tàu cảnh sát biển khác thường có khá ít vũ khí trang bị, hoặc chỉ trang bị vòi rồng. Tuy nhiên, điều làm cho tàu cảnh sát biển 3901 khác với các tàu khác không chỉ về vũ khí trang bị.
Khi xảy ra xung đột trên biển, tàu cảnh sát biển ít nhất có thể phát huy vai trò quan trọng, đặc biệt là ở Biển Đông. Biển Đông đã xảy ra nhiều vụ đụng độ, xung đột, tàu của hai bên thường chơi trò "tâm lý", tìm cách đe dọa để tàu đối phương bỏ chạy.
Xét tới quy mô của tàu cảnh sát biển này, Trung Quốc chắc chắn sẽ dùng “quái thú” mới này để duy trì ưu thế trong các cuộc đối đầu trên biển. Từ năm 2012 đến nay, Cảnh sát biển Trung Quốc đã có thêm trên 100 tàu, hiện sở hữu trên 200 tàu các loại.
Thực sự là hải quân “trá hình”
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 9/5, các cường quốc biển như Nhật Bản, Mỹ đều rất coi trọng phát triển lực lượng bán quân sự trên biển và các trang bị bán quân sự có liên quan.
Chẳng hạn, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sở hữu vài chục tàu tuần tra lớp vài nghìn tấn, hơn 360 tàu tuần tra lớp vài trăm tấn, hơn 70 máy bay và trực thăng.
Trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sở hữu 250 tàu tuần tra từ vài trăm đến vài nghìn tấn cùng các loại tàu hỗ trợ, trong đó có 3 tàu phá băng lớp 10.000 tấn, tàu nhỏ hơn có thể đạt trên 1.800 chiếc; ngoài ra còn có khoảng 200 máy bay và trực thăng.
Trong những năm qua, lực lượng bán quân sự của Trung Quốc cũng phát triển rất mạnh. Vài năm trước, lực lượng bán quân sự này gồm có hải giám, ngư chính, cảnh sát biển biên phòng và cảnh sát chống buôn lậu trên biển.
Đến tháng 7/2013, các lực lượng bán quân sự này của Trung Quốc đã sáp nhập thành Cảnh sát biển Trung Quốc. Trung Quốc tìm cách để trang bị cho lực lượng này các tàu chất lượng cao và số lượng lớn.
Ở Trung Quốc có 2 nguồn cung cấp tàu cảnh sát biển: Một loại là tàu tuần tra được thiết kế riêng cho thực thi pháp luật trên biển, tàu 3901 chính là loại tàu này. Một loại khác là tàu tuần tra được cải tạo từ các loại tàu chiến nghỉ hưu như tàu hộ vệ cỡ vừa và nhỏ.
Chẳng hạn, Cảnh sát biển Trung Quốc đã sở hữu các tàu tuần tra từng được cải tạo từ các loại tàu hộ vệ như Type 054, Type 056, Type 053, Type 053H3 và tàu khu trục Type 051.
Hiện nay, tàu chấp pháp của các lực lượng bán quân sự Nhật Bản và Mỹ phổ biến có các đặc điểm như chỉ huy kiểm soát tập trung hóa, bố trí trên tàu đa dạng hóa, thiết bị tự động hóa. Bản thân tàu tuần tra có thể chia sẻ thông tin với máy bay, các tàu khác và trung tâm chỉ huy trên bờ.
Cấu tạo bên trong vốn có của tàu chiến đều là để trang bị nhiều vũ khí, đạn dược, ít biên chế nhân viên, khoang tàu có thể tương đối hẹp. Nhưng nhu cầu của tàu chấp pháp có thể trái ngược - vũ khí, đạn dược chỉ cần đủ để tự vệ, nhưng không gian bên trong cần phải rộng để nhân viên chấp pháp có không gian làm việc và sinh hoạt trên biển trong thời gian dài.