Theo tờ báo Nhật Bản, chính nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra yêu cầu cách chức đô đốc Harris thông qua đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Đô đốc Harris nổi tiếng có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, bao gồm vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.
Đại sứ kiêm đặc sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải đã chuyển yêu cầu trên cho phía Mỹ, trùng khớp với thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh hai ngày giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Tập Cận Bình tại Florida hồi đầu tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, tổng thống Trump đã bác bỏ đề nghị trên, nguồn tin cho biết.
Từ lâu, Trung Quốc đã là nhà bảo trợ về kinh tế và ngoại giao của Triều Tiên. Japan Times lưu ý, đô đốc Harris chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương sinh ra tại Nhật Bản nhưng lớn lên tại Mỹ. Ông Harris được cho là người có vai trò sống còn đối với an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tháng trước, đô đốc Harris chính là người đã ra lệnh điều động cụm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson tiến vào vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trong một động thái phô trương sức mạnh vào thời điểm Triều Tiên chuẩn bị bắn thử tên lửa đạn đạo hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Chính quyền ông Trump đã kêu gọi gây sức ép tối đa lên Triều Tiên nhằm ép nước này từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Mỹ tuyên bố đặt lên bàn tất cả mọi sự lựa chọn, kể cả việc tấn công quân sự.
Đô đốc Harris đã thúc đẩy việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc. Trung Quốc quyết liệt phản đối việc triển khai THAAD, cho rằng việc này hủy hoại lợi ích an ninh của Bắc Kinh và cân bằng chiến lược trong khu vực.
Tư lệnh Harris cũng kêu gọi tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Trung Quốc tức giận. Ông Harris từng lên án Trung Quốc bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp cũng như quân sự hóa Biển Đông khiến tình hình khu vực căng thẳng.
Hồi tháng 9/2015, trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đô đốc Harry Harris tuyên bố việc Trung Quốc xây ba đường băng 3.000m trên Biển Đông và tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp là “mối lo ngại quân sự lớn, đe dọa tất cả các nước trong khu vực”.
Đô đốc Harris cho biết ngoài các đường băng dài 3.000m, Trung Quốc còn đang xây hàng loạt cơ sở cảng nước sâu tại các đảo nhân tạo để mở đường cho các tàu chiến tới biển Đông. Bắc Kinh cũng sẽ xây dựng một hệ thống khu phóng tên lửa, hệ thống do thám…
“Các đảo nhân tạo tạo ra một cơ chế giúp Trung Quốc kiểm soát biển Đông” - ông Harris cảnh báo. Ông nhấn mạnh Biển Đông hoàn toàn không phải của Trung Quốc và cái tên “biển Nam Trung Hoa” không nói lên điều gì, cũng giống như vịnh Mexico không phải của Mexico.
Khi các thành viên Ủy ban Quân vụ đặt câu hỏi liệu lực lượng Mỹ có nên tuần tra trong vùng biển cách các đảo nhân tạo 12 hải lý, đô đốc Harris trả lời: “Chúng ta cần phải thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông bởi các đảo nhân tạo đó không phải là đảo thật”.
Đô đốc Harry Harris còn yêu cầu Mỹ áp dụng lập trường đối đầu hơn với Trung Quốc để sớm ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời gây thiệt hại cho lợi ích chiến lược mà Trung Quốc đã thu được ở Biển Đông.
Ông Harris đề nghị Mỹ cần triển khai hành động quân sự ở vùng biển 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông, tuy nhiên lời kêu gọi này của ông hầu như đều chưa được tổng thồng tiền nhiệm Obama chấp nhận.