Theo các nguồn tin, ngày 20/4, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Patrick Murphy cho biết ,Hội nghị Ngoại trưởng Mỹ - ASEAN vào ngày 4/5/2017 sẽ thảo luận thẳng thắn về vấn đề Biển Đông để tiếp tục tìm cách giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Đồng thời, kiên trì nguyên tắc dựa trên quy tắc vào pháp trị được Mỹ và các nước ASEAN nhất trí.
Patrick Murphy cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tổ chức hành động đi lại tự do (FONOP). Đây là quyền lực và trách nhiệm của Mỹ. Mỹ sẽ tiếp tục đi lại và bay ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép. Đây là chính sách lâu dài của Mỹ.
Là một nước châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cần phát huy vai trò trong bảo đảm hoạt động thương mại và đi lại không bị cản trở ở Biển Đông. Các nước ASEAN coi trọng sự tham gia và hiện diện của Mỹ ở khu vực này. Họ mong muốn tiếp tục duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và bảo đảm cho Mỹ tiếp tục tham gia ở khu vực này - Patrick Murphy khẳng định.
Trong khi đó, trong chuyến thăm Indonesia, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với ASEAN ủng hộ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Mỹ sẽ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, bảo đảm tự do thương mại hợp pháp, đề xướng giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu bằng đối thoại ngoại giao hòa bình.
Tiếp theo, ngày 26/4, tại Quốc hội Mỹ, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ thông báo, không lâu nữa, Mỹ sẽ có thể thực hiện đợt tuần tra tự do mới ở Biển Đông, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.
Hãng tin Reuters Anh dẫn lời Đô đốc Harry Harris nói: “Tôi tuân theo chỉ lệnh và chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư lệnh quân đội, thực hiện những công vụ này. Tôi cho rằng, không lâu nữa chúng tôi có thể sẽ thực hiện một số (hành động tuần tra Biển Đông)”.
Đối với tuyên bố này của Đô đốc Harry Harris, khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik Nga, chuyên gia các vấn đề quốc tế Trung Quốc, giáo sư Tô Hạo, Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, ông Harry Harris là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, thái độ của ông luôn rất cứng rắn.
Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, Harry Harris là người thực hiện “kế hoạch đi lại tự do” của Mỹ ở Biển Đông. Hành động của ông rất “cực đoan”, thậm chí “đẩy ông Barack Obama lên phía trước” trong trường hợp nhất định – Tô Hạo tuyên truyền.
Tô Hạo nói: “Gần đây, về tổng thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có sự điều hòa trong quan hệ Trung - Mỹ; trong vấn đề Biển Đông cũng đã áp dụng biện pháp phù hợp làm ổn định quan hệ Trung - Mỹ. Về điểm này, rõ ràng không thống nhất với cách làm nhất quán của ông Harry Harris”.
Do đó, Tô Hạo cho rằng trong vấn đề “tự do đi lại” của quân đội Mỹ trên Biển Đông, nhìn vào việc tàu sân bay USS Carl Vinson không lập tức đến bán đảo Triều Tiên thời gian qua, không loại trừ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và Nhà Trắng tồn tại “lệch pha” trong vấn đề phối hợp hành động và trao đổi thông tin.
Nhìn vào nhiều phương diện, ông Harry Harris có thể phần nào chưa chuyển đổi theo chính sách của ông Donald Trump, “không loại trừ ý đồ của bản thân Harry Harris là thể hiện ý nguyện của Nhà Trắng”.
Hiện nay, Nhà Trắng vẫn chưa công bố thông tin liên quan đến “hành động tự do đi lại” ở Biển Đông lần này.
Tô Hạo cho hay: “Trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Mỹ gây sức ép với Trung Quốc, muốn Trung Quốc tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên. Đối với vấn đề này, Trung Quốc còn tương đối thận trọng”.
“Mặc dù Trung Quốc đạt được đồng thuận với Mỹ, nhưng còn có độ vênh trong hành động. Có lẽ, điều này làm cho ông Donald Trump cảm thấy không đủ. Ông muốn thông qua một số thái độ thể hiện qua tuyên bố trong vấn đề Biển Đông, gián tiếp gây sức ép với Trung Quốc”.
Tô Hạo nhận định, ông Donald Trump luôn thích “giao dịch”, vì vậy không loại trừ khả năng ông muốn thông qua vấn đề Biển Đông để tiến hành “một số giao dịch”. Trên thực tế, quan hệ Trung - Mỹ đã được “điều hòa” trong cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước ở Florida vào đầu tháng 4/2017.