Quá trình tái cơ cấu: Nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng

Việt Nam đang thiếu chính sách toàn diện về cạnh tranh. Tư duy quản lý của Nhà nước còn sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng, không nhận thức được đó là cốt lõi của nền kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân…
Quá trình tái cơ cấu: Nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng

Giằng co giữa hành chính - thị trường

Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2014”, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17.12 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của CIEM quá trình tái cơ cấu trong thời gian 2011-2014 đã cải thiện được hiệu quả đầu tư và tăng năng suất lao động; kinh tế vĩ mô được giữ vững, môi trường kinh doanh có cải thiện, tăng trưởng kinh tế được phục hồi; chuyển dịch trên cơ cấu thu ngân sách nhà nước cũng đang chuyển sang hướng tích cực…

Tuy nhiên, bên cạnh những điều làm được thì quá trình tái cơ cấu cũng còn không ít tồn tại. Đó là việc điều phối thị trường chưa chiếm được ưu thế, còn giằng co giữa tập trung, hành chính quan liêu và thị trường. 

Bên cạnh đó, trong phân bổ các yếu tố sản xuất, hành chính phân bổ hoặc điều hành đang chiếm ưu thế, làm méo mó các thị trường khác.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, vấn đề tài sản và sở hữu tài sản còn nhiều vấn đề tồn tại. Nhiều loại tài sản chưa được ghi nhận và thừa nhận là tài sản nên đương nhiên không có chủ quyền và quyền sở hữu tương ứng.

“Sở hữu toàn dân còn chiếm tỉ trọng lớn, không được thực thi về mặt pháp lý, không phải tất cả các tài sản đều có chủ sở hữu rõ ràng. Một phần đáng kể tài sản không thương mại được hoặc rất khó thương mại. Đồng thời, quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân chưa được bảo vệ một cách chắc chắn và tin cậy” – ông Cung nói.

Ông Cung cho hay, Việt Nam không có thị trường sơ cấp về đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Thị trường thứ cấp rất méo mó, sai lệch, rủi ro cao, chi phí giao dịch cao. Nhà nước sử dụng đất là công cụ chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách xã hội bán để tăng thu ngân sách. Thị trường đất đai còn hoang sơ, chưa có vai trò phân bố và điều tiết…

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, Việt Nam gia nhập thị trường có bước tiến lớn nhưng vẫn chưa có môi trường kinh doanh trật tự và công bằng.  

Cụ thể, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề lớn như số lượng kinh doanh có điều kiện còn quá lớn, rào cản gia nhập các loại thị trường này còn cao và tốn kém dẫn đến hạn chế, ngăn cản cạnh tranh...

Hệ thống giám sát chưa rõ ràng

Đánh giá cao những thông tin trong báo cáo nêu ra, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh rằng, trong quá trình tái cơ cấu cần duy trì ổn định vĩ mô, nhưng cái cần phá vẫn phải phá, cần cho chết vẫn phải cho chết.

“Trong thời gian qua, nhiều trường hợp nhân danh sự ổn định vĩ mô nên không cho phá vỡ bất cứ cái gì. Điều này đang cản trở quá trình tái cơ cấu” – bà Lan nói.

Bà Chi Lan cũng cho biết thêm, trên thực tế chưa thấy thị trường tái phân bổ nguồn lực bởi thị trường cũng không có quyền lực để phân bổ. Nguyên nhân là vì nguồn lực cơ bản vẫn nằm trong tay Nhà nước. Cơ chế thị trường sẽ giúp phân bố nguồn lực tốt hơn cơ chế phân bổ hành chính.

Đồng tình với ý kiến này, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng cho rằng, Nhà nước Việt Nam không tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập, do đó hệ thống giám sát và kiểm tra chéo lẫn nhau là chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường đòi sự công bằng và minh bạch trong hoạt động của Nhà nước, do đó cần có hệ thống giám sát và kiểm tra phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.

Báo cáo cũng cho hay, các tổ chức có chức năng giám sát như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra nội bộ các bộ và địa phương cần phải có quy chế độc lập để tránh bị ảnh hưởng từ các cơ quan công quyền đối với kết quả giám sát, kiểm tra.

Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang thiếu chính sách toàn diện về cạnh tranh. Tư duy quản lý Nhà nước còn sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng, không nhận thức được cạnh tranh công bằng là cốt lõi của nền kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân.

Song song với đó, Nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng, dẫn đến hệ quả là phía thị trường rất thiếu “thị trường”, thừa “thị trường” ở phía Nhà nước.

Góp ý tại hội thảo, chuyên gia Raymond Mallon – cố vấn cao cấp của dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cho rằng, bài học cho Việt Nam là các mục tiêu tái cơ cấu phải rõ ràng, phải hướng đến một Việt Nam cạnh tranh, thịnh vượng hơn. Kế hoạch hành động đơn giản nhưng tin cậy để đạt được mục tiêu và cần xác định chuỗi logic giữa kế hoạch hành động và mục tiêu.

Bên cạnh đó, tiến trình phải có được sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao và phải có quá trình giám sát, có kế hoạch đấu tranh với những tư tưởng, tệ quan liêu chống đối nỗ lực cải cách; xây dựng liên minh cải cách để tạo sức ép thay đổi bằng cách phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, đối tác phát triển…

Theo Một thế giới