|
Khu chung cư Đại Thanh xây dựng với mật độ quá dày, ngay mặt đường chính. |
Ngột ngạt những tòa nhà
Bức bối, bí bách, quá tải là thực trạng đang xảy ra tại nhiều khu chung cư cao tầng tại Hà Nội như Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ, Xa La... Không ít hộ dân sau khi đã bỏ ra cả tỷ đồng để sở hữu một căn hộ tại đây thì nay đã nghĩ đến việc “tháo chạy” sang khu vực khác.
Chung cư Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) nổi tiếng là “chung cư giá rẻ cho người nghèo”. Khu chung cư này có 6 tòa nhà (mỗi tòa có chiều cao 32 tầng) tương ứng với gần 4.000 căn hộ. Trên diện tích khoảng 2 ha, đây đang là nơi sinh sống của khoảng 13.000 nhân khẩu. Đến khu chung cư này, chúng tôi được mục sở thị sự nhếch nhác, lộn xộn của một khu vực có mật độ dân cư quá cao.
6 tòa nhà của khu chung cư này được chia làm hai. 3 tòa chụm lại thành một cụm. Bởi vậy, không gian công cộng rất ít, chỉ có một khoảng sân nhỏ phía dưới mỗi tòa nhà. Tuy nhiên, khoảng sân này cũng bị “xà xẻo” bởi những hộ kinh doanh tại tầng 1. Phía trước mặt của cả 6 tòa nhà là những ngôi nhà 1 - 2 tầng lụp xụp mặt đường Phan Trọng Tuệ (do chưa được giải tỏa), cạnh đó là một dãy chợ cóc càng khiến không gian trở nên bức bối, lộn xộn hơn.
Khu chợ lộn xộn họp ngay trước mặt tiền khu đô thị Đại Thanh. |
Cách đó không xa là khu đô thị BEMES Kiến Hưng (Hà Đông). Khu chung cư này có kiến trúc, cách thiết kế như chung cư Đại Thanh, gồm 3 tòa nhà cao 32 tầng trên diện tích chưa đến 1 ha. Mỗi tầng có 22 căn hộ, ngoại trừ 2 tầng dưới phục vụ kinh doanh, tổng số căn hộ lên đến gần 2.000. Quá tải là điều có thể lường trước được. Và các cư dân tại đây không khỏi bức xúc vì điều này.
Chị T.N, nhà CT6 cho biết, sân chơi của trẻ em đã hẹp còn bị lấn chiếm đủ kiểu. “Hầm gửi xe quá nhỏ nên chỉ cho gửi xe máy. Xe ô tô phải gửi ở trên nên chiếm sân chơi của cả khu. Chưa kể, người mua kẻ bán tại chợ cóc và siêu thị cũng lấn chiếm gần hết sân chơi này”, chị T bức xúc.
Sự bức bí, quá tải không chỉ bởi không gian sinh hoạt quá chật hẹp, nhếch nhác mà còn bởi những hạ tầng cơ bản của một khu chung cư mới cũng không được đảm bảo. Tại khu BEMES Kiến Hưng, thang máy thường xuyên hỏng do phải chở quá tải. Đầu giờ sáng và cuối buổi chiều, người dân phải đợi rất lâu mới vào được thang máy do đã chật kín. Còn tại chung cư Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), do không tính toán đến khâu thiết kế hầm gửi xe ngay từ đầu nên khu vực này đang bị quá tải hầm gửi xe. Một tầng hầm chỉ có sức chứa khoảng 4.000 xe máy nhưng nay số xe lên đến 6.000 xe, chưa kể ô tô. Do đó, khu vực hầm xe thường xuyên bị ùn ú, các xe va quẹt nhau. Một phần diện tích sân chơi đã buộc phải trưng dụng làm bãi đỗ xe nổi của khu chung cư.
“Dân quá đông. Buổi tối, người đi tập thể dục như trẩy hội, không còn chỗ chen chân. Nếu về muộn nhiều khi không còn chỗ gửi xe. Chúng tôi không thể tưởng tượng được chung cư đông đến như thế”, một người dân tại tòa nhà CT12B tâm sự. Chị này cho biết sau hơn 4 tháng là cư dân của khu chung cư, gia đình chị đang tính toán chuyển đi chỗ khác. Còn chị T.N như nói ở trên cũng đang tính toán mua nhà gần Đại lộ Thăng Long để thoát cảnh sống bức bí.
Rà soát từ khâu quy hoạch, cấp phép
Các chuyên gia về kiến trúc, xây dựng đều cho rằng, việc phát triển khu đô thị hiện nay chưa chú trọng đến các yếu tố hạ tầng. Chủ đầu tư chỉ “chăm chăm” xây là để bán mà chưa quan tâm đến các yếu tố đảm bảo cuộc sống tiện nghi, thư giãn cho người ở. Ông Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, mật độ xây dựng cao và hệ số sử dụng đất quá lớn khiến các khu đô thị không có không gian mở cũng như không gian công cộng như quảng trường, công viên, nhà văn hóa, cây xanh, mặt nước... Đó là còn chưa kể đến các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ cũng thiếu.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 25/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội phải rà soát lại việc cấp phép, phê duyệt các dự án xây dựng trái quy hoạch hoặc không đạt quy chuẩn xây dựng để tránh lặp lại tình trạng quá tải tại các khu chung cư mới khác, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. |
Theo ông Đức, các chủ đầu tư khi triển khai xây dựng dự án (đặc biệt là các dự án có mức đầu tư vừa phải) chỉ tập trung cho khu vực các công trình. Phần hạ tầng xã hội luôn để sau và thậm chí còn xin điều chỉnh quy hoạch để xây thêm các công trình nhà cao tầng, biệt thự, liền kề nếu như các vị trí để triển khai hạ tầng xã hội ở vị trí đẹp. Các công trình hạ tầng xã hội bị dồn vào những góc hẹp, xấu hơn.
“Chủ đầu tư đặt lợi ích của mình cao hơn khách hàng là đáng trách nhưng người quản lý còn đáng trách hơn bởi đã phê duyệt cho phép triển khai những dự án như vậy. Khâu quản lý của ta kém, cơ quan quản lý thiếu sự ráo riết. Có tình trạng bôi trơn để được xây dựng, tuy nhiên không ai chịu thừa nhận”, ông Đức nhấn mạnh.
Đồng tình với điều này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết thêm, hiện nay pháp luật mới yêu cầu về giấy phép xây dựng mà không yêu cầu giấy chứng nhận hoàn thành công trình (công trình phải đảm bảo các quy chuẩn xây dựng mới được cấp giấy này). “Nếu có giấy này thì ai cấp giấy chứng nhận sẽ phải chịu trách nhiệm. Đây là một lỗ hổng”, ông Liêm cho hay.
Còn theo ông Đào Ngọc Nghiêm, PCT Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, xây dựng quá nhiều tòa nhà cao tầng trên một diện tích hẹp sẽ làm tăng hệ số sử dụng đất, đồng nghĩa với tăng diện tích sử dụng. Nếu không tính toán kỹ sẽ đặt áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, giao thông, thậm chí còn vi phạm Luật Thủ đô.
Theo: Báo Tin Tức