Tại sao Moscow lại đưa ra quyết định gỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran vốn nằm dưới ách trừng phạt của Mỹ? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ có ảnh hưởng lớn đến tiến trình chính trị thế giới trong những thập kỷ tới.
Cần phải nhắc lại sự kiện “nhục nhã” trong hoạt động ngoại giao tổng thống của Barack Obama, khi ông cam đoan với Tổng thống Nga hồi đó Dmitry Medvedev rằng, những quan ngại của Moscow về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Âu sẽ bị loại bỏ ngay sau khi ông ta tái đắc cử tổng thống Mỹ. Nhưng sau khi tái cử, Obama đã nuốt lời.
“Ở cấp độ nguyên thủ quốc gia, các chính trị gia không hành xử như học trò, mà các vấn đề hạt nhân cũng chẳng phải trò chơi trốn tìm. Tuy vậy, Obama đã cư xử rất tệ”, chuyên gia nhận xét và lưu ý rằng, Nga luôn bác bỏ những khẳng định của Mỹ rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ nhằm vào các nước cứng đầu, từ Iran và Triều Tiên.
Bản thân Obama cũng thuyết phục Moscow rằng, ngay khi vấn đề hạt nhân của Iran được giải quyết, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ không còn ý nghĩa. “Nhưng nay, khi đàm phán Mỹ-Iran đã đến vạch đích và vấn đề đang tiến sát đến giải pháp, Obama lại bị bệnh mất trí nhớ khi quên phéng lời hứa của mình và Washington lại bắt đầu lặng lẽ thay đổi luật chơi”, bài báo viết.
“Thật kỳ lạ là nay Mỹ và NATO lại mạnh miệng khẳng định rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu (ngay sát biên giới Nga) chẳng liên quan tí gì đến vấn đề hạt nhân Iran ”.
Mục tiêu đích thực của việc triển khai hệ thống phòng thủ ở châu Âu là nhằm vô hiệu hóa tiềm lực tên lửa của Nga. Tuy nhiên, Nga hiểu rõ rằng, “các yếu tố chiến lược của Mỹ nằm ở một sự thật đơn giản - Liên bang Nga vẫn là nước duy nhất trên trái đất có khả năng hủy diệt hoàn toàn nước Mỹ”. Nói cách khác, Putin đã bắt Obama cũng phải cảm nhận việc các lợi ích của Mỹ đang bị đe dọa có mùi vị ra sao. Bởi lẽ, các tên lửa S-300 sẽ hạn chế lớn khả năng tấn công của Mỹ.
Nay thì các hành động của Iran tại khu vực Cận Đông có thể trở nên rất khó đối với Mỹ và chấm dứt bá quyền của Mỹ ở Cận Đông. Việc cung cấp S-300 cho Iran sẽ buộc Obama cảm thấy cái mà người Nga cảm thấy khi ông ta phái quân Mỹ và các đơn vị NATO đến gần biên giới Nga và vi phạm một cách có hệ thống tất cả những lời cam kết với lãnh đạo Nga về việc không mở rộng NATO sang phía Đông và sang lãnh thổ Liên Xô trước đây. Ngày nay, các đơn vị NATO và Mỹ đang ở gần biên giới Nga hơn nhiều so với các sư đoàn tăng của Hitler vào năm 1940.
“Thông điệp của Putin cho Obama là thẳng thừng và rõ ràng: “Chúng tôi chịu đựng ông đã quá đủ. Từ hôm nay, ông chớ nhầm, mỗi hành động của ông phá hoại an ninh của chúng tôi sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ đi kèm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ giúp các nước khác giáng trả sự xâm lược của các ông. Chúng tôi không muốn để tất cả như thế, nhưng đó là sự lựa chọn mà ông chọn cho chúng tôi”, tác giả bài báo viết.
Mỹ sẽ buộc phải học cách tôn trọng các lợi ích hợp pháp của Nga. Bằng các hành động của mình, Putin nhắc cho chính quyền Obama nhớ rằng, không có sự hợp tác của Nga, Mỹ đơn giản là không đủ khả năng để giải quyết các vấn đề toàn cầu hay khu vực như Iran.
Theo VND