Theo nhà báo Greg Miller của tờ Washington Post, ông Donald Trump và các cố vấn lại có những cách tiếp cận khác nhau với nước Nga và tổng thống Vladimir Putin. Trong khi ông Trump viết trên trang Twitter rằng “mọi thứ giữa Mỹ và Nga rồi sẽ tốt đẹp,” và luôn chờ mong một “nền hòa bình lâu dài” thì các cố vấn của ông lại đưa ra những đánh giá cay độc về chính sách của Nga.
Quả thật, ông Putin đã khiến tổng thống Mỹ cùng các cố vấn, các chuyên gia tình báo và các học giả lúng túng kể từ khi ông lên nắm quyền. Ông Putin được phía Mỹ khắc họa như một chuyên gia chơi cờ, một người táo bạo và một nguyên thủ chuyên thực hiện các thương vụ những thương gia.
Còn trên Warontherocks, hai chuyên gia Joshua Rover và Michael Kofman đã bất đồng quan điểm về trí tuệ của Putin. Rovner chê bai kiểu "dìm hàng" nhà lãnh đạo Nga rằng: “Putin là một nhà chiến lược kém cỏi. Ông không hiểu mối quan hệ giữa bạo động vũ trang và các mục tiêu chính trị. Và việc sáp nhập Crimea đã gần như hủy hoại mọi cơ hội giúp Nga quay trở lại vị thế nước lớn”.
Nhưng chuyên gia Kofman lại không đồng ý với quan điểm này và cho rằng ông Putin đang làm rất tốt với những gì mà ông có, đó là lãnh đạo của một nước lớn trong khu vực đang bị suy yếu về cơ cấu. Vẫn quá sớm để đánh giá thành công cuối cùng trong việc ông Putin thách thức hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo, nhưng ông Putin quả thực đã đạt được những tiến bộ rất lớn và vẫn đang yên ổn với vị trí lãnh đạo ở nước Nga. Theo ông Kofman, tổng thống Nga hiểu rất rõ chiến lược mình đang sử dụng. Vấn đề thật sự là chính nước Mỹ đang không hiểu Putin.
Để cố vượt qua sự nhầm lẫn này, Warontherock đã phân tích từng lời ông Putin tuyên bố về các vấn đề lớn trong chính sách đối ngoại.
Warontherocks cố sử dụng phương pháp phân tích mã hoạt động. Cách tiếp cận này bắt nguồn khi chính phủ Mỹ cố gắng hiểu hơn về hành vi của những người Bolsheviks sau Thế chiến II. Nathan Leites, một chuyên gia và là nhà xã hội học Liên Xô, cho rằng Liên Xô lúc đó hành động dựa trên bộ nguyên tắc và các tư tưởng chính trị bắt nguồn từ ý thức hệ và các kinh nghiệm cải cách của nước này, được gọi là mã hoạt động Bolsheviks. Alexander George đã nhận ra tiềm năng trong cách tiếp cận này vượt qua phong trào Bolsheviks. Gần đây, công cụ này đã được biến thành một khuôn khổ khắt khe hơn trong việc phân tích các bài diễn văn của các lãnh đạo.
Với hình thức hiện đại, việc phân tích mã hoạt động liên quan đến việc cô lập hình ảnh quyền lực và kiểm soát do các lãnh đạo đưa ra khi họ nói về thế giới chính trị. Các tuyên bố mỗi lãnh đạo đưa ra về các nhân tố và cách tiếp cận được coi là thù địch (với các hành động như trừng phạt, đe dọa và lên tiếng phản đối) hoặc hợp tác (bao gồm các hoạt động như kêu gọi, hứa hẹn hoặc tuyên dương). Bằng cách tổng hợp nhiều tuyên bố, cách tiếp cận này phân tích cách các lãnh đạo bày tỏ suy nghĩ của họ về quan hệ quốc tế. Dù sao những bài diễn văn công khai ít nhất cũng tiết lộ cách các lãnh đạo nhìn nhận thế giới.
Để thúc đẩy việc phân tích, Warontherocks tổng hợp các bài diễn văn và phỏng vấn về chính sách đối ngoại từ điện Kremlin. Với việc phân tích dựa trên ngôn từ của tổng thống Nga Putin, Mỹ cho rằng đây là sự nghiên cứu sâu rộng và kỹ lưỡng nhất về nguyên thủ Nga từ trước đến nay.
Và những gì Warontherocks tìm ra cũng rất đáng kinh ngạc: Trong phần lớn các vấn đề chính sách đối ngoại, ông Putin đều ghi điểm như một nhà lãnh đạo lớn trên thế giới. Để đi đến kết luận này, các học giả đã so sánh các bài phát biểu của ông Putin với lãnh đạo các nước khác cùng thời: các lãnh đạo các nước lớn như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ Barack Obama, và thủ tướng Đức Angela Merkel hay lãnh đạo các nước nhỏ như Saddam Hussein, Bashar al-Assad và Mahmood Ahmadinejad.
Lãnh đạo các nước lớn thường có quan điểm rất khác về chính trị quốc tế so với lãnh đạo cách mạng ở các nước nhỏ hơn, và ông Putin luôn phát biểu với tư cách của một nước lớn chứ không phải là nhà lãnh đạo một nước nhỏ, Warontherocks đánh giá.
(còn tiếp)