|
Ảnh: State of Digital Publishing |
Podcast đang phát triển mạnh mẽ trong thế giới tin tức. Nghiên cứu của State of Digital Publishing cho thấy sự phổ biến ngày càng tăng của hiện tượng này trong những năm qua. Ngày càng có nhiều người yêu thích podcast.
Không có gì lạ khi bạn lựa chọn nghe tin tức, bình luận hoặc phỏng vấn hơn là cố gắng đọc một bài báo khi đang lái xe ô tô. Vì lý do này, ngày càng có nhiều công ty, người có ảnh hưởng trong xã hội và doanh nhân tạo podcast. Các tổ chức báo chí đại diện cho một phần lớn của nhóm này.
Liệu podcast chỉ là một xu hướng tạm thời hay một hình thức báo chí mới sẽ tồn tại lâu dài? Podcast có thể đem lại những lợi ích gì cho báo chí? Có thể kiếm tiền từ podcast không? Chúng có thể đóng vai trò gì trong chiến lược kinh doanh của báo chí? Những chủ đề nào có thể được thảo luận trong podcast? Bài viết dưới đây có thể giúp bạn trả lời những câu hỏi này.
|
Không có gì lạ khi bạn lựa chọn nghe tin tức, bình luận hoặc phỏng vấn hơn là cố gắng đọc một bài báo khi đang đi đường. Ảnh: Reuters Institute |
1. Xu hướng nghe podcast hiện nay
Mặc dù thuật ngữ “podcast” đã xuất hiện từ năm 2004 như một kết nối của “iPod” (một dòng máy nghe nhạc của Apple) và “broadcast” (nghĩa là phát sóng), nhưng cơn sốt podcast thực sự mới chỉ bắt đầu thời gian gần đây.
Một trong những lý do chính giải thích cho cơn sốt podcast hiện nay là sự cải tiến công nghệ âm thanh. Bạn có còn nhớ Discmans hay Walkmans (máy nghe nhạc di động của Sony khá thịnh hành trong những thập niên 1970) không? Ngày nay, việc nghe những nội dung âm thanh đã dễ dàng và thoải mái hơn nhiều so với cách đây vài năm. Tương tự, việc tạo ra những nội dung âm thanh này cũng ngày càng đơn giản hơn và về cơ bản, bạn có thể thực hiện nó trên điện thoại thông minh có kết nối internet.
|
Ảnh: State of Digital Publishing |
Biểu đồ trên biểu thị có bao nhiêu người đang nghe podcast và những con số này đang tăng nhanh như thế nào. Hơn nữa, xu hướng này được dự đoán sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Xu hướng này cũng được áp dụng đối với podcast được tạo bởi các tổ chức báo chí, truyền thông. Theo dữ liệu mới nhất từ Podtrac, một nền tảng phân tích Podcast, các tổ chức báo chí đang thu hút lượng lớn độc giả từ khắp mọi nơi trên thế giới bằng các tin tức dạng podcast của họ.
|
Các tổ chức báo chí podcast hàng đầu thế giới hiện nay. Ảnh: State of Digital Publishing |
2. Ưu thế của báo chí, truyền thông khi làm podcast
Báo chí, truyền thông có ưu thế trong việc tạo podcast nhưng, có lẽ nhiều trong số họ vẫn chưa nhận ra điều đó.
Thứ nhất, các tổ chức báo chí, truyền thông lớn có thể tạo podcast như một mục mở rộng trên các kênh tin tức của họ. Kinh nghiệm dày dặn trong ngành giúp họ có đủ các tài nguyên quý giá để tạo các nội dung podcast chất lượng.
Thứ hai, những tổ chức này đã có được một lượng độc giả “trung thành” và quan trọng nhất là niềm tin của độc giả với tòa soạn.
Thứ ba, các tổ chức báo chí, truyền thông có nhiều kinh nghiệm trong chuẩn bị phỏng vấn, tạo nội dung video hoặc âm thanh.
|
Podcast có thể củng cố mối quan hệ với độc giả hiện tại của tòa soạn, thu hút độc giả mới, tăng uy tín biên tập của tòa soạn, xây dựng lòng trung thành và niềm tin của độc giả. Ảnh: Forbes |
3. Podcast có thể đem lại cho các tổ chức báo chí, truyền thông những lợi ích gì?
- Đây là một phương tiện hữu ích giúp các công ty báo chí, truyền thông xây dựng lòng trung thành của độc giả. Các cuộc phỏng vấn qua podcast thường gần gũi, mang tính cá nhân hơn.
- Theo Báo cáo Tin tức số của Viện Reuters năm 2018, nhiều người thích nghe podcast và thế hệ trẻ cũng là một phần lớn trong số đó. Vì vậy, nếu báo chí muốn xây dựng lòng trung thành của người dùng hoặc thu hút những thính giả trẻ, podcast là một giải pháp tốt để thực hiện điều đó.
- Podcast là lợi ích bổ sung, làm phong phú thêm các kênh tin tức của báo chí chỉ với chi phí rất nhỏ. Không giống như video, đòi hỏi vốn đầu tư tốn kém về thiết bị cũng như nhân sự, kinh phí để tham gia vào thị trường podcast thấp hơn rất nhiều. Thậm chí, báo chí có thể dễ dàng thực hiện một chương trình với chi phí sản xuất thấp mà hai nhà báo có thể thảo luận với nhau về một chủ đề nào đó.
- Podcast có thể củng cố mối quan hệ với độc giả hiện tại của tòa soạn, thu hút độc giả mới, tăng uy tín biên tập của tòa soạn, xây dựng lòng trung thành và niềm tin của độc giả đối với các nhà báo, biên tập viên hay người phụ trách một chuyên mục của tòa soạn. Việc lắng nghe một chuyên gia bàn luận về một chủ đề nào đó sẽ giúp củng cố danh tiếng và uy tín cho thương hiệu của họ.
- Podcast có thể là một nền tảng áp dụng cho nhiều loại nội dung âm thanh khác nhau, bao gồm sự kiện trực tiếp hoặc kết nối trực tiếp với độc giả.
- Cuối cùng, podcast cũng đem lại cơ hội mở rộng thêm nguồn thu cho tòa soạn, ngay cả khi chỉ có một lượng người nghe nhỏ. Đó không phải là vấn đề về số lượng mà là sự bảo chứng về chất lượng.
4. Làm thế nào để các tòa soạn có thể kiếm tiền từ việc tạo podcast?
|
Ảnh: Digiday |
Hãy đối mặt với một sự thật. Đối với hầu hết các tổ chức báo chí, giá trị của podcast dựa trên việc xây dựng lòng trung thành và danh tiếng. Về lâu dài, nó có thể giúp tòa soạn tăng doanh thu từ mô hình đăng ký. Trong khi các tổ chức báo chí lớn như The Economist, có thể tạo ra nguồn thu lớn từ podcast nhờ quảng cáo và tài trợ, thì các tòa soạn nhỏ hơn không thể mong đợi thu được lợi nhuận cao ngay từ đầu.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tổ chức báo chí không thể kiếm tiền từ podcast. Quan trọng là báo chí cần nỗ lực và đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn. Dưới đây là một số cách để tăng nguôn thu cho báo chí từ podcast.
4.1. Quảng cáo
Đối với hầu hết các podcast tin tức, động lực doanh thu chính là quảng cáo - ngay cả với những tổ chức báo chí, truyền thông lớn như tờ The New York Times. Quảng cáo podcast có nhiều loại khác nhau có thể được đặt ở đầu, giữa hoặc cuối các bản podcast. Thông thường, các quảng cáo này dài khoảng 15-giây. Nội dung của chúng càng có liên quan đến chủ đề chính của podcast sẽ càng tốt cho người nghe, bởi họ sẽ không cảm thấy khó chịu khi xem những quảng cáo này.
4.2. Sự tài trợ
Tài trợ cũng có nhiều dạng. Có tài trợ riêng lẻ cho từng tập podcast hoặc thậm chí, toàn bộ podcast mang tên thương hiệu của nhà tài trợ.
4.3. Đăng ký
Podcast có thể là một cách hữu hiệu để thu hút người nghe đến với nội dung rộng hơn của các công ty báo chí, truyền thông. Đây là một chiến lược chung có thể hỗ trợ cho cả đăng ký báo in và đăng ký số. Ví dụ: podcast thông thường của bạn có thể miễn phí, trong khi các phiên bản nâng cao chỉ có tùy chọn trả phí.
4.4. Các gói podcast
Những loại podcast này phù hợp với việc cung cấp như một phần của gói đăng ký hoặc thành viên. Nhưng chúng cũng có nhược điểm là khó thu hút độc giả do đặc điểm khép kín của chúng. Các gói podcast này có thể được dùng như những gói ưu đãi dành cho những người đăng ký trả phí. Báo chí có thể cung cấp miễn phí các podcast trả phí cho người đăng ký của tòa soạn. The Economist đã cung cấp cho người đăng ký tất cả các bài báo của họ dưới dạng podcast kể từ năm 2007.
4.5. Podcast nội dung cao cấp
Nếu bạn hiểu rõ về người đọc, người nghe podcast của mình, bạn sẽ có cơ hội tốt để cung cấp cho họ một số nội dung cao cấp mà bạn biết rằng họ sẽ yêu thích. Tất cả những gì bạn cần làm là tạo các bản podcast đặc biệt chỉ có sẵn để mua. Báo chí có thể bán podcast có nội dung liên quan đến:
- Các câu hỏi và câu trả lời với các khách mời đặc biệt, là chuyên gia trong lĩnh vực, chủ đề của buổi tọa đàm.
- Độc giả có quyền truy cập vào tệp podcast miễn phí trước một ngày.
- Các podcast không có quảng cáo.
- Các bình luận, quan điểm của chuyên gia.
4.6. Quyền truy cập vào các đường truyền trực tiếp
Podcast có thể trở thành một nền tảng để triển khai các sự kiện trực tiếp. Người thuyết trình sẽ trở thành người dẫn dắt các quan điểm.
5. Podcast miễn phí?
Podcast miễn phí là một giải pháp tuyệt vời để thu hút những người đăng ký tiềm năng. The Financial Times đã tận dụng các podcast miễn phí của họ để chuyển đổi người nghe thành người đăng ký trả phí cho nội dung trên web của họ. Các tổ chức báo chí, truyền thông đã có sẵn các kênh quảng bá và phân phối như bản tin, email, mạng xã hội có thể nhờ podcast để thay đổi độc giả và khách truy cập trang web thành thính giả và ngược lại.
6. Nội dung podcast nào phù hợp với tòa soạn của bạn?
Dạng podcast được các tổ chức báo chí ưa thích nhất là podcast tin tức. Dạng podcast này về cơ bản là nỗ lực của báo chí giúp truyền tải tin tức một cách độc đáo và linh hoạt. Nhưng điều đó không có nghĩa là một đơn vị tạp chí phong cách sống không thể tạo ra những podcast thú vị.
Quy tắc chính của việc tạo ra pocast là cung cấp cho người đọc thứ gì đó mà bạn không thể cung cấp cho họ trong phiên bản báo in hoặc báo chí số của bạn - một số giá trị gia tăng đặc biệt. Nội dung của podcast không nhất thiết phải liên quan trực tiếp đến tạp chí của bạn.
Khi bạn cho phép mọi người tiếp cận những vị khách đặc biệt nhất, những chuyên gia muốn chia sẻ kiến thức đặc biệt, họ sẽ quan tâm đến nó, có xu hướng chia sẻ nó trên các nền tảng mạng xã hội và trả tiền cho nó.
Các chương trình âm thanh đem đến cho bạn cơ hội thử nghiệm với các dạng và chủ đề đàm thoại mới mà từ đó, bạn có thể chuyển sang nền tảng đăng tin tức chính của mình. Nó có thể ở dạng talk show do một nhóm dẫn dắt một câu chuyện, hoặc đơn giản hơn là một cuộc trò chuyện giữa hai người.
7. Báo chí có thể xây dựng những loại podcast nào?
|
Ảnh: Search Engine Journal |
Thứ nhất, podcast phỏng vấn
Đây là loại podcast phổ biến nhất. Tại sao nó lại phổ biến nhất? Đơn giản vì nó dễ thực hiện. Trên thực tế, tất cả những gì bạn cần là một chiếc micro và kết nối internet cho cả hai đầu phỏng vấn.
Thứ hai, podcast solo
Bạn có thể kể những câu chuyện về những người đang làm nên kỳ tích trong lĩnh vực của bạn, tiết lộ những bí mật trong nghề, chia sẻ những câu chuyện khác nhau… Nhưng có một điều kiện - bạn cần phải là một diễn giả tài năng.
Thứ ba, podcast đa máy chủ
Loại pocast này đòi hỏi nhiều công việc hơn: đảm bảo micro, xử lý nhanh những gián đoạn kỹ thuật… Tuy nhiên, podcast đa máy chủ có nhiều ưu điểm. Đây là loại podcast có triển vọng nhất, nó đưa ra các cuộc thảo luận có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau, có thể đem lại nhiều giá trị hơn cho những thính giả thích nghe các cuộc trò chuyện và tranh luận thay vì chỉ một người nói.
8. Báo chí có thể đưa podcast của mình lên những nền tảng nào?
Việc xuất bản các podcast rất đơn gian, bạn chỉ cần đưa bản podcast của mình lên kênh YouTube hoặc các dịch vụ dành riêng cho chia sẻ podcast bao gồm SoundCloud, Stitcher, Spotify, Google Podcast, Overcast.
Các nền tảng này sử dụng các thuật toán mà nhờ đó, người nghe sẽ nhận được danh sách nội dung được đề xuất tương tự như những gì họ đã nghe trước đó. Đó cũng là cơ hội để các podcast mới được khám phá.
Nếu bạn đăng tin trên tạp chí số hoặc ứng dụng di động của tạp chí, bạn có thể chỉ cần đưa ra nội dung âm thanh vào bài viết đó. Có những nền tảng số cho phép thêm âm thanh hoặc video vào các bài báo trực tuyến một cách dễ dàng. Do đó, độc giả có thể xem và nghe cùng một nội dung.
Một trong những công ty cung cấp giải pháp này là PressPad. Họ đã triển khai tích hợp YouTube, Vimeo và Soundcloud vào các nền tảng xuất bản số vì họ nhận thấy sự sẵn sàng chia sẻ loại nội dung này của các tổ chức báo chí.
Báo chí nên đa dạng hóa các địa điểm đặt pocast bởi nó có thể quảng bá rộng rãi podcast của bạn tới công chúng và đừng quên chia sẻ chúng trên các nền tảng mạng truyền thông xã hội. Bạn có thể làm điều này mỗi khi đưa lên một tập podcast mới.
9. Làm podcast - nên hay không nên?
Việc xây dựng một lượng độc giả trung thành với podcast cần có thời gian và sự hy sinh, những người tin vào thành công có thể đến nhanh chóng chắc chắn sẽ thất vọng khi “dấn thân” vào làm podcast. Trên thực tế, nhiều chương trình đã phải mất nhiều năm để tạo nên một lượng khán giả đủ lớn để có thể tạo ra doanh thu đáng kể, do đó, chiến lược phát triển podcast cũng vậy. Chỉ cần chúng ta kiên trì, phương tiện này có thể mở ra một hướng đi mới cho báo chí, giúp mở rộng các ưu đãi trên kênh tin tức của các tổ chức báo chí cũng như tạo ra ưu thế nổi bật so với đối thủ cạnh tranh.
Theo State of Digital Publishing