Phương tiện sẽ bị thu phí khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông?
Xuân Lan
VietTimes -- UBND TP. Hà Nội kiến nghị Quốc hội bổ sung và ban hành Luật phí, lệ phí mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện; phí phương tiện xe cơ giới đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa UBND TP. Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải, vừa diễn ra cuối tuần trước.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Bộ GTVT và TP. Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công tác quản lý vận tải bảo đảm trật tự an toàn và giảm ùn tắc trên địa bàn Thành phố, tạo được chuyển biến tích cực.
Cụ thể, hạ tầng giao thông Thành phố đã và đang đầu tư nhiều tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị và các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn như đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; Vành đai 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng - QL 1A); Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); nhóm các công trình cầu vượt thép trên các tuyến đường trục chính quan trọng… Bộ GTVT đang phối hợp với Hà Nội triển khai đầu tư tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2), cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Ba Vì - Việt Trì, vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường sắt Cát Linh - Hà Đông...
Cùng với đó, vận tải hành khách công cộng được quan tâm, phát triển tương đối đồng bộ. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được điều chỉnh mở rộng vùng phục vụ, chất lượng dịch vụ được nâng cao với 111 tuyến, phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá đến 30 quận, huyện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
Cuộc làm việc của Bộ Giao thông vận tải với UBND TP. Hà Nội
Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng cho rằng, với tốc độ phát triển dân số, phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố như hiện nay, trong khi nhiều công trình giao thông quan trọng đang trong giai đoạn đầu tư theo quy hoạch, ý thức của một bộ phận doanh nghiệp vận tải và người dân tham gia giao thông chưa cao. Tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, các vi phạm trật tự an toàn giao thông, xe dù bến cóc, xe quá khổ quá tải đã được tập trung chỉ đạo giải quyết nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp…
UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT cùng thống nhất kiến nghị Quốc hội bổ sung và ban hành Luật phí, lệ phí mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện; phí phương tiện xe cơ giới đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy; quy định chủ xe ô tô phải lắp đặt thiết bị thu phí tự động và mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí và xử lý vi phạm.
Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông); đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục để có thể khởi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) vào cuối năm 2018. Đối với các tuyến đường sắt do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, đề nghị Bộ GTVT tiếp tục thống nhất, đồng thuận với thành phố về các cơ chế, giải pháp thực hiện liên quan đến hạ tầng, chủ trương đầu tư xây dựng, điều chỉnh dự án cũng như hiệp định vay vốn để trình Chính phủ phê duyệt. Đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn thiện và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị để bảo đảm tính đồng bộ từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành công trình.
Hà Nội cũng đưa ra đề nghị Bộ GTVT triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao theo quy hoạch giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 3 và đường Cổ Linh. Nếu Bộ GTVT chưa cân đối được nguồn lực đầu tư thì chuyển giao nhiệm vụ về cho Hà Nội đầu tư để bảo đảm khớp nối và an toàn giao thông; đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn chỉnh quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới quy hoạch, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Cùng với Hà Nội báo cáo Chính phủ cho phép thành phố triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch...
Trước đó, vào giữa năm 2017, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”.
Đề án đã đưa ra nhiều biện pháp hành chính và kinh tế nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.
Thời điểm đó, ông Viện khẳng định, Hà Nội sẽ không quản lý phương tiện bằng biện pháp hành chính mà chủ yếu bằng biện pháp kinh tế thông qua việc thu phí các phương tiện tham gia giao thông vào một số khu vực.
“Hiện chưa có quy định về loại phí này, tuy nhiên trong dự thảo nghị quyết mới nêu để HĐND TP thống nhất về mặt chủ trương, Sở sẽ tham mưu cho TP xây dựng những đề án, chương trình cụ thể để xác định khu vực, tuyến đường nào cần phải thu phí, thu phí vào giờ nào.
Việc thu phí sẽ hạn chế phương tiện không cần thiết đi vào khu vực trung tâm trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày để giảm ùn tắc giao thông, giúp cho việc vận hành ngày càng tốt hơn”, ông Viện nói.