Phương Tây vướng lạm phát, Trung Quốc đối diện với vấn đề ngược lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong khi nhiều nền kinh tế phương Tây đang chật vật đối phó với lạm phát, thì Trung Quốc lại đối diện với nguy cơ ngược lại.

1.png
Trung Quốc đối diện với nguy cơ xảy ra giảm phát, trái ngược với các nền kinh tế phương Tây (Ảnh: SCMP)

Vấn đề ngược ở Trung Quốc

Trong lúc các ngân hàng trung ương ở phương Tây tiếp tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, thì Trung Quốc lại đối diện với nguy cơ xảy ra vấn đề ngược lại – giảm phát.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong tháng 5, với tốc độ giảm mạnh nhất trong vòng 7 năm qua, trong khi giá tiêu dùng hầu như không tăng. Đây là những tín hiệu mới nhất cho thấy những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối diện ở cả trong và ngoài nước.

Theo các nhà kinh tế học, việc thiếu đi sức ép về lạm phát đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể trải qua một giai đoạn giảm phát – giá cả giảm trên diện rộng – nếu như nền kinh tế nước này không sớm hồi phục.

Giảm phát kéo dài có xu hướng kìm hãm đà tăng trưởng và khó có thể thoát ra được. Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù giai đoạn giá cả giảm kéo dài chưa diễn ra, nhưng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn cần phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn nguy cơ đó và khôi phục tốc độ phát triển của nền kinh tế. Các biện pháp mà họ đề ra bao gồm giảm lãi suất, làm suy yếu đồng NDT, trao tiền mặt hay các khoản khuyến khích chi tiêu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

2.png
Sự thay đổi về giá,

Ting Lu, Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đến từ hãng Nomura ở Hong Kong, trong một bức thư gửi khách hàng đã nói rằng, ông dự đoán các ngân hàng địa phương sẽ sớm cắt giảm lãi suất cho vay, có thể là ngay trong tuần tới.

Trong các phát biểu được đưa ra tại một cuộc họp hôm thứ Tư trong tuần và được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát đi sau khi công bố dữ liệu lạm phát hôm thứ Sáu, Thống đốc ngân hàng trung ương Yi Gang cho hay, ông kỳ vọng rằng lạm phát giá tiêu dùng sẽ tăng trong nửa cuối năm nay và vượt mức 1% trong tháng 12. Ông nhấn mạnh rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ sử dụng các công cụ của họ để hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy việc làm.

Xuất khẩu giảm phát ra thế giới

Giá cả đang giảm ở Trung Quốc, tuy nhiên, điều này chưa hẳn là yếu tố tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, bởi chi phí nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc thấp hơn sẽ giúp kiềm chế lạm phát ở các nền kinh tế đang có mức lạm phát cao.

“Nói cách khác, Trung Quốc đang xuất khẩu giảm phát ra toàn thế giới”, Carlos Casanova, nhà kinh tế học kỳ cựu đến từ hãng Union Bancaire Privée, cho hay. Điều này có thể làm giảm sức ép đối với ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang phải chiến đấu chống lạm phát, ông nói.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã giảm 4,6% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 2016 và 8 tháng liên tục giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,2%, chỉ cao hơn chút ít so với mức tăng 0,1% được ghi nhận trong tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn mức trần lạm phát thường niên 3% mà chính phủ và ngân hàng trung ương đặt ra, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Ở Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 4 đã giảm còn 4,9%, nhưng con số này vẫn cao hơn gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Ở 20 quốc gia sử dụng đồng euro, lạm phát hàng năm ở mức 6,1% trong tháng 5.

Sau một đợt tăng đột biến trong năm ngoái do chiến sự bùng phát ở Ukraine, giá dầu thô, thực phẩm và một số loại hàng hoá khác đã bắt đầu giảm, một phần dẫn tới lạm phát giảm ở Trung Quốc.

im-796711.jpg
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 5 (Ảnh: Bloomberg)

Những con số đáng thất vọng

Trái ngược hoàn toàn với tình hình đang diễn ra trong hầu hết các nền kinh tế khác sau khi thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đang đối mặt với một vấn đề giảm chi tiêu cả trong và ngoài nước.

Các nhà máy sản xuất của Trung Quốc đang giảm giá do người nước ngoài không còn muốn mua hàng hoá của họ như trước khi mà nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu tăng chi phí vay mượn. Một đợt bùng nổ chi tiêu giúp kích thích đà tăng trưởng ở Trung Quốc đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Thị trường bất động sản đang trầm lắng và các khoản đầu tư bị ảnh hưởng.

Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế phương Tây đang tìm hiểu xem liệu biên lợi nhuận cao có đang gây ra lạm phát trong nền kinh tế của họ hay không. Trong khi ở Trung Quốc, lợi nhuận công nghiệp lại đang suy giảm.

Dữ liệu về lạm phát bổ sung vào một chuỗi tín hiệu đáng thất vọng về sức phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Trước đó, các nhà quan sát kỳ vọng rằng việc Bắc Kinh mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch sẽ giúp kích thích đà tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm theo năm đầu tiên trong 3 tháng. Các cuộc nghiên cứu doanh nghiệp cho thấy hoạt động sản xuất tại nhà máy trong tháng 5 và hoạt động trong ngành dịch vụ cũng suy giảm. Hơn 1/5 số người trẻ tuổi ở Trung Quốc bị thất nghiệp.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng Trung Quốc sẽ đạt được hoặc vượt qua mức mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.

Zichun Huang, nhà kinh tế nghiên cứu về Trung Quốc đến từ hãng Capital Economics, cho hay bà không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ trải qua giai đoạn lạm phát rộng khắp, và dự báo rằng giá tiêu dùng sẽ tăng trong những tháng tới nhờ vào sự hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách và thị trường lao động được cải thiện./.

Theo Wall Street Journal