Phương Tây bàng hoàng trước tin sốc từ Putin

Chỉ riêng trong năm nay, quân đội Nga sẽ tiếp nhận đến 40 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, Tổng thống Putin hôm qua (16/6) đã thông báo như vậy.
Tổng thống Putin
Tổng thống Putin

Đây được xem là một lời nhắc nhở nghiêm khắc và thẳng thừng của ông Putin về sức mạnh hạt nhân của Nga trong bối cảnh đang có cuộc đối đầu Đông-Tây quyết liệt vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Quân đội-2015 – một diễn đàn quân sự quốc tế được Nga tổ chức ở gần thủ đô Moscow, Tổng thống Putin cho biết: “Năm nay, các lực lượng hạt nhân của chúng tôi sẽ tiếp nhận hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng xuyên thủng tất cả những hệ thống lá chắn tên lửa đang tồn tại hiện nay, thậm chí kể cả những hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất”. Ông Putin nói thêm rằng, Nga sẽ tiếp tục đặt sự quan tâm, chú ý đặc biệt cho việc hiện thực hóa chương trình trang bị vũ khí hiện đại ở quy mô lớn và hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng.
 
Nhà lãnh đạo Nga đề cập cụ thể đến siêu xe tăng chiến đấu Armata và các phương tiện chiến đấu bọc thép mới vừa được trình làng lần đầu tiên trước công chúng tại lễ diễu binh hoành tráng mừng Ngày Chiến thắng hôm 9/5 vừa rồi ở Quảng trường Đỏ. Ông Putin tự tin cho biết, những vũ khí đó “không có đối thủ trên thế giới”.
 
Ông chủ điện Kremlin còn cho biết, nước này sẽ sớm triển khai thử nghiệm một hệ thống radar mới có khả năng phát hiện, dò tìm mục tiêu vượt xa ngoài đường chân trời. Hệ thống tối tân này sẽ được nhằm thẳng sang hướng tây. Một trạm radar tương tự cũng sẽ được triển khai ở hướng đông. Trước đó, vào tháng 4, một hệ thống radar mới đã bắt đầu hoạt động ở thành phố Armavir, phía nam Nga.
 
Những phát biểu trên được ông chủ điện Kremlin đưa ra tại lễ khai mạc một cuộc triển lãm hàng không diễn ra tại trường bắn ở Alabino, ngay phía tây thủ đô Moscow. Cuộc triển lãm quy mô lớn lần này của Nga là nhằm để phô diễn, thể hiện sức mạnh quân sự đang hồi sinh của Nga.
 
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang lao xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu (EU) liên tục đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông và hậu thuẫn cho quân ly khai trong cuộc chiến chống quân đội Kiev. Bất chấp việc Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc trên, Mỹ và EU vẫn tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga, cô lập Nga trên mặt trận ngoại giao và chính trị. Cùng với đó, Washington và các đồng minh NATO còn liên tiếp tung ra các “đòn” quân sự để thắt chặt vòng vây xung quanh Nga.
 
Chỉ trong vài ngày trở lại đây, Mỹ liên tiếp có những động thái thể hiện sự khiêu khích cao độ đối với Nga, khiến Moscow thực sự nổi giận.
 
Hôm 13/6, một tờ báo Mỹ đưa tin, Lầu Năm Góc “đang ở trạng thái sẵn sàng” để đưa vũ khí hạng nặng đủ cho tới 5.000 binh lính đến các quốc gia Đông Âu và Baltic để ngăn chặn cái mà họ gọi là “sự xâm lược, gây hấn” của Nga. Theo Mỹ, động thái này là nhằm để trấn an nỗi quan ngại của các nước NATO. Mỹ dự định đưa vũ khí, thiết bị quân sự hạng nặng tới từng nước trong 3 quốc gia Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia cũng như Ba Lan, Rumani, Bulgari và có thể là cả Hungary. 3 nước thành viên Baltic trước đó đã đề nghị NATO triển khai bộ binh trên lãnh thổ của họ nhằm đối phó với Nga.
 
Moscow đã nhanh chóng lên tiếng phản ứng với kế hoạch trên, cảnh báo rằng việc Mỹ định triển khai cả một “kho vũ khí hạng nặng” đến gần các đường biên giới của Nga sẽ gây ra sự bất ổn đầy nguy hiểm ở Châu Âu.
 
"Mỹ đang kích động căng thẳng và đang tìm cách nuôi dưỡng nỗi ám ảnh, tâm lý chống Nga của các đồng minh Châu Âu nhằm lợi dụng tình hình khó khăn hiện nay để làm cái cơ tăng cường, mở rộng sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng ở Châu Âu", Bộ Ngoại giao Nga hôm 15/6 cáo buộc.
 
"Chúng tôi hy vọng lý trí sẽ thắng thế và có thể cứu vãn tình hình Châu Âu khỏi việc trượt vào một cuộc đối đầu quân sự có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho khu vực”, Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.
 
Chỉ 3 ngày sau khi đưa ra thông báo về ý định đặt một “kho vũ khí hạng nặng” ở biên giới Nga, Mỹ tiếp tục nhăm nhe ý định đưa siêu chiến đấu cơ đỉnh cao của mình đến Châu Âu để dọa Nga. Bộ trưởng Không quân Mỹ đã miêu tả tình hình hiện nay với Nga là “mối đe dọa lớn nhất” trong đầu của bà này và vì thế bà ám chỉ đến khả năng triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đỉnh cao của Mỹ là F-22 Raptor đến Châu Âu để đối phó với Nga.
 
Đối diện với hai lời đe dọa mới nhất nói trên, Moscow tuyên bố sẽ đáp trả thẳng thừng, thích đáng và tương xứng với những gì Washington định tung ra.
 
Rõ ràng, Nga không ngán phải đối đầu với Mỹ. Moscow đã cho Washington thấy rằng, nếu Mỹ định ép Nga đến cùng thì Nga cũng sẵn sàng “chơi tới cùng” với Mỹ.