Phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ từ Nga, nhiều công ty châu Âu nay đối mặt nguy cơ đóng cửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp của châu Âu phải dựa vào nguồn cung dầu và khí tự nhiên giá rẻ của Nga để vận hành.
Khu công nghiệp lọc dầu và hóa chất Leuna của Đức, nước nhập năng lượng nhiều nhất từ Nga (Ảnh: Bloomberg)
Khu công nghiệp lọc dầu và hóa chất Leuna của Đức, nước nhập năng lượng nhiều nhất từ Nga (Ảnh: Bloomberg)

Hiện tại, giá năng lượng ở châu Âu đang tăng mạnh do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, khiến cho khả năng cạnh tranh của nhiều nhà sản xuất bị giảm trên thị trường toàn cầu. Nhiều cơ sở đang chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế cho năng lượng Nga do lo ngại Moscow có thể đột ngột cắt đứt nguồn cung, điều sẽ khiến nhiều công ty phải ngừng hoàn toàn dây chuyền sản xuất.

Các hãng sản xuất chất hóa học, phân bón, thép và nhiều mặt hàng khác của châu Âu đang chịu sức ép trong suốt nhiều tháng qua trong lúc căng thẳng với Nga leo thang do chiến sự ở Ukraine. Một số nhà sản xuất có nguy cơ phải đóng cửa do sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ đến từ Mỹ, Trung Đông và nhiều khu vực khác - ở những nơi mà giá năng lượng rẻ hơn nhiều so với châu Âu. Giá khí đốt ở châu Âu giờ đã cao gần gấp 3 lần so với ở Mỹ.

“Nhìn chung, quan ngại lớn đối với châu Âu là tăng nhập khẩu và giảm xuất khẩu”, Marco Mensink, tổng giám đốc của Cefic, tổ chức thương mại hóa học-công nghiệp của châu Âu, nói.

Cuộc xung đột với Nga đã đẩy EU vào thế bí khi khối này buộc phải chuẩn bị sẵn cho tình huống Tổng thống Nga Vladimir Putin đột ngột cắt nguồn cung. Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom hiện nay đã cắt nguồn cung cho Bulgaria, Phần Lan và Ba Lan sau khi những nước này từ chối yêu cầu trả tiền khí đốt bằng đồng Rúp và Điện Kremlin đưa ra.

Năm ngoái, Nga cung cấp khoảng 40% tổng lượng khí đốt mà EU nhập khẩu.

Nhà máy ở Le Havre, Pháp tạm ngừng sản xuất ammoniac do giá khí đốt tăng (Ảnh: Getty)

Nhà máy ở Le Havre, Pháp tạm ngừng sản xuất ammoniac do giá khí đốt tăng (Ảnh: Getty)

Giá năng lượng tăng ở châu Âu được dự báo sẽ kéo theo cả sản lượng công nghiệp và đà tăng trưởng của toàn khu vực trong năm nay. Nhiều kinh tế gia tại Ủy ban châu Âu cho rằng nền kinh tế Đức sẽ thu nhỏ trong quý 2 năm nay do sức ép từ giá năng lượng cao. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng là bên mua lớn nhất khí đốt của Nga. Người tiêu dùng châu Âu cũng chịu tác động không nhỏ, khi mà giá năng lượng cao bào mòn sức mua của họ.

Nguy cơ bị Nga cắt nguồn cung đã đẩy ngành công nghiệp của châu Âu vào thế bất lợi trong cạnh tranh dài hạn, chỉ trừ khi các nhà sản xuất trong khu vực này có thể áp dụng các công nghệ giúp giảm mạnh mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của họ. Nhưng rất nhiều trong số các công nghệ đó – ví dụ như sử dụng năng lượng gió hay năng lượng mặt trời để vận hành các nhà máy hóa chất – còn lâu mới có thể áp dụng thương mại hóa và sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ.

Các nhà sản xuất dựa vào khí tự nhiên như một nguồn năng lượng và một loại vật liệu thô trong dây chuyền sản xuất. Ở châu Âu, khí tự nhiên thường quy định giá điện, bởi vậy mà nhiều nhà máy chịu ảnh hưởng nếu như giá khí đốt tăng. Ammoniac là sản phẩm nhạy cảm nhất, chiếm khoảng 70% lượng khí tự nhiên mà châu Âu sử dụng như vật liệu thô. Phần lớn trong số này được sử dụng để làm phân bón.

Các công ty châu Âu có thích ứng được với giá năng lượng cao hay không còn tùy thuộc vào việc họ có thể tận dụng nguồn cung từ các cơ sở sản xuất trên khắp toàn cầu hay không. OCI NV, một hãng sản xuất phân bón có trụ sở tại Amsterdam, đã phải giảm sản lượng ammoniac của họ tại nhà máy ở Hà Lan, thay vào đó nhập khẩu từ các nhà máy của họ đặt tại bang Texas (Mỹ), Ai Cập và Algeria; Giám đốc Ahmed El-Hoshy cho hay. Công ty vẫn đang hoàn tất những bước cuối cùng trong sản xuất phân bón ở Hà Lan.

Do nhiều ngành công nghiệp, đang khát năng lượng, muốn đẩy nhanh sản lượng nên đã gây sức ép ngắn hạn đối với các chuỗi cung ứng khí tự nhiên. Châu Âu sẽ phải sử dụng nhiều khí đốt hơn để sản xuất điện năng và cung cấp nhiệt lượng sưởi ấm cho các hộ gia đình trong mùa Đông sắp tới, và giới chức EU dự kiến rằng các nguồn cung ứng khí đốt sẽ rất khan hiếm.

OCI thường chỉ nhập lượng đáng kể ammoniac tới châu Âu trong mùa Đông khi mà giá khí đốt ở mức cao nhất.

“Giờ thì tháng nào cũng là tháng mùa Đông”, ông El-Hoshy nói.

Nhiều nhà sản xuất phân bón khác thì quyết định đóng cửa các cơ sở không thể nhập khẩu ammoniac từ nước ngoài. CF Industries Holdings Inc, nhà sản xuất phân bón lớn nhất của Anh, tuần trước nói rằng họ sẽ đóng cửa vĩnh viễn một nhà máy không thể sản xuất ammoniac từ năm ngoái.

Các hãng sản xuất thép của châu Âu cũng đã giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 10/2021 để tiết kiệm tiền điện và tiền khí đốt. Tháng 3 năm nay, giá điện tăng ở Tây Ban Nha đã khiến nhiều nhà sản xuất tiếp tục giảm sản lượng hoặc phải đóng cửa hoàn toàn.

“Sự việc này thật điên rồ”, Miguel Torres, Giám đốc tài chính của công ty Acerinox SA, công ty đã phải đóng cửa một trong số những dây chuyền sản xuất của họ trong 3 ngày vào tháng 3 vừa qua, nói.

Nhiều ngành công nghiệp hiện đang vận động hành lang các cơ quan và chính phủ của châu Âu để đảm bảo sẽ có được nguồn cung khí tự nhiên một khi Nga cắt nguồn cung.

“Với ông Putin, không ai biết điều gì sẽ xảy ra”, Jacob Hansen, Tổng giám đốc của tổ chức vận động hành lang Fertilizers Europe, nói. “Chúng tôi không thể sản xuất chút phân bón nào mà không có khí tự nhiên.”

Nếu như Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, nước này sẽ ưu tiên cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình và các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, trụ sở cảnh sát và trại lính, trong khi các ngành công nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với tình trạng gián đoạn, đẩy hàng nghìn người vào rủi ro mất việc làm.

Việc quyết định xem ai sẽ có được khí đốt ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu thuộc trách nhiệm của Cơ quan Mạng lưới Liên bang có trụ sở tại Bonn, cơ quan quản lý năng lượng của nước này.

Các công ty hóa chất ở châu Âu cũng dựa vào khí tự nhiên để vận hành các lò cỡ lớn phân tách dầu và khí tự nhiên thành các hóa chất cấu thành dưới áp suất và nhiệt độ cực lớn. Ông Mensink đến từ Cefic nói rằng ngành công nghiệp này đang tìm cách để chuyển sang sử dụng điện năng trong quá trình này, nhưng nói rằng công nghệ đó chưa thể ứng dụng cho đến năm 2030.

Nhiều công ty cũng muốn thay thế điện năng sản sinh từ khí tự nhiên bằng điện năng đến từ các nguồn tái sinh, nhưng nguồn cung năng lượng gió và năng lượng mặt trời không đủ để đáp ứng nhu cầu, ông Mensink nói.