|
Toàn cảnh Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công thương tổ chức. |
Quan điểm trên được Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến “Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại dành cho các cơ quan báo chí” diễn ra vào sáng nay (19/11/2021).
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Đến nay, có 15 hiệp định thương mại tự do được ký kết, cả song phương và đa phương, trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như hiệp định CPTPP.
Trong năm 2020, Việt Nam đã cùng 4 nước khác ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, gọi tắt là RCEP. Và sau đó là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Bắc Ailen, Vương quốc Anh.
“Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế từ việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới, đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do đã góp phần làm thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”, Thứ trưởng Bộ Công thương nói.
Theo ông Trần Quốc Khánh, để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết xóa bỏ hàng rào thuế, xóa bỏ hàng rào kinh tế, các nhà đàm phán đã đưa ra một công cụ là phòng vệ thương mại.
“Biện pháp phòng vệ thương mại đã, đang và sẽ luôn luôn song hành cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là một trong những hệ quả tất yếu của một nền kinh tế quốc tế”, ông Trần Quốc Khánh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin, phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp chủ yếu như biện pháp tự vệ được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến vì cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế. Từ đó, có khả năng gây ra tình trạng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước thì áp dụng biện pháp tự vệ.
Cũng tại buổi Hội nghị, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết mục đích của phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.
Phòng vệ thương mại chống lại cạnh tranh không lành mạnh hoặc hàng nhập khẩu tăng đột biến gây ảnh hưởng tới hàng trong nước. Đây là công cụ hỗ trợ để bảo vệ lợi ích chính đáng trước sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước trước tình huống bất ngờ.
Ông Lê Triệu Dũng cho biết, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư, đề án về phòng vệ thương mại.
Trong thời gian tới, hàng hóa được ưu đãi lớn, năng lực sản xuất tăng, đồng nghĩa với việc lẩn tránh phòng vệ thương mại để hưởng ưu đãi sẽ tăng. Do đó, để nâng cao năng lực phòng vệ thương mại chúng ta cần nhận thức đúng về phòng vệ thương mại để ứng phó đúng đắn./.