Chiều 23/10, tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin việc quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là sự xuất hiện của sàn giá rẻ Temu thời gian gần đây.
Dẫn quy định về thương mại điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động của Temu - sàn thương mại điện tử đang bán hàng tại Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Được biết, Indonesia tìm cách ngăn chặn nền tảng này và một số quốc gia cũng đang bày tỏ quan ngại.
Liên quan đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, Bộ Công thương giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát đến vấn đề này.
Nói về giá thành các sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Temu, lãnh đạo Bộ Công Thương nói rằng ông "giật mình khi thấy giá bán hàng hoá của họ rẻ" và khẳng định sẽ có giải pháp để kiểm soát phù hợp.
Theo ông Tân, cần phải có giải pháp đặc thù để xử lý hoạt động của các kênh thương mại điện tử hiện. Hiện hàng hóa trên thương mại điện có giá rất thấp, “ít tiền”, các vấn đề như mẫu mã, quy cách, thương hiệu, chất lượng cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trên cùng một phân khúc. Từ đó xác định hàng hóa đó có gian lận, có phải là hàng giả, hàng nhái hay phá giá thị trường để có biện pháp quản lý.
Được biết, Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc). Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng trên các mạng xã hội vài tuần gần đây.
So với các sàn thương mại điện tử khác, Temu có giá bán sản phẩm rất rẻ, loại bỏ các chi phí trung gian. Đa phần các sản phẩm của Temu đều là của các nhà sản xuất Trung Quốc. PDD Holdings (công ty mẹ của Temu) công khai những chiến lược trợ giá, chấp nhận lợi nhuận thấp cho mỗi sản phẩm bán ra, giúp giảm giá thành sản phẩm.