‘Không nới bội chi và nợ công, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nới bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát được để tung ra các gói hỗ trợ sẽ giúp nền kinh tế hồi phục, không bỏ lỡ cơ hội phát triển, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: VGP)
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: VGP)

Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, diễn ra vào chiều nay (11/11), đại biểu Nguyễn Văn Hiển dẫn ý kiến chuyên gia, đặt vấn đề hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 cần gói hỗ trợ tài khoá đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP.

Vị này cho rằng, nếu làm như vậy sẽ tăng nợ công, tăng bội chi ngân sách và nợ Chính phủ. Nhưng nếu không có các giải pháp đủ lớn, nền kinh tế sẽ chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước, kèm theo nhiều hệ lụy tiêu cực.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, nếu hỗ trợ bằng tiền mặt, cấp tiền cho người dân, thì nguy cơ lớn sẽ phải đối mặt với rủi ro tăng lạm phát.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Dũng ủng hộ việc nới bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát được.

“Nếu không nới bội chi và nợ công sẽ khó tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm và khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển. Chúng ta sẽ bỏ một loạt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới”, ông Dũng lý giải.

"Như vậy vừa phát triển, giải quyết việc làm, làm cho quy mô nền kinh tế (GDP) lớn hơn, khi đó thì tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể xuống như cũ. Còn nếu không nới, thì sẽ không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2009, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết cần phải có chương trình tổng thể, thực hiện đồng bộ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, triển khai có hiệu quả, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành và lĩnh vực có khả năng kịp thời.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng lưu ý việc giám sát chặt chẽ, kiểm soát rủi ro, tránh tình trạng trục lợi chính sách./.