Bình Định xem xét áp dụng cưỡng chế nợ thuế với Bamboo Airways, chuyên gia nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(VietTimes) –Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết trường hợp Bamboo Airways không nộp đủ số tiền thuế nợ theo quy định sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với công ty này.

Bình Định tiếp tục áp dụng cưỡng chế nợ thuế với Bamboo Airways
Bình Định tiếp tục áp dụng cưỡng chế nợ thuế với Bamboo Airways

Bamboo Airways bị áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế

Chiều 26/9, Cục Thuế tỉnh Bình Định vừa có thông báo về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo đó, Cục Thuế tỉnh Bình Định đề nghị Bamboo Airways phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thực hiện nghiêm túc các quyết định của Cục Thuế tỉnh về việc cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng.

"Trường hợp Bamboo Airways không nộp đủ số tiền thuế nợ theo quy định thì Cục Thuế tỉnh Bình Định sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với công ty. Thời gian dự kiến áp dụng thực hiện từ ngày 26/9/2024", công văn nêu rõ.

Cục Thuế tỉnh Bình Định thông báo đến BamBoo Airways biết để thực hiện theo quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp với Cục thuế tỉnh Bình Định khi công ty sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh trong thời gian bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn.

Như VietTimes đã thông tin trước đó, vào ngày 11/9, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã gửi thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an).

Theo đó, lý do tạm hoãn xuất cảnh do ông Lương Hoài Nam là người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways - doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Thời gian tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày ký thông báo ngày (11/9/2024) đến ngày Bamboo Airways hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Trước thông tin CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh do đang là người đại diện pháp luật, hãng bay này phát thông báo nhấn mạnh, vụ việc này xuất phát từ vấn đề hành chính mà hãng đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giải quyết, không liên quan đến vấn đề cá nhân của ông Lương Hoài Nam.

Về phía mình, ông Lương Hoài Nam chia sẻ: “Trước các nghĩa vụ thuế mà Bamboo Airways chưa có điều kiện để hoàn thành, tôi cùng ban lãnh đạo hãng đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này trong bối cảnh Bamboo Airways đang còn nhiều khó khăn về tài chính”.

Câu chuyện liên quan đến ông Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế đã mở ra cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.

"Không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ"

Trao đổi với VietTimes dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhìn nhận việc tạm dừng xuất cảnh của doanh nhân khi doanh nghiệp nợ thuế là việc làm đúng luật. Bản thân doanh nghiệp cũng đã biết trước điều đó.

Hơn nữa, cơ quan thuế cũng chịu ràng buộc các nghĩa vụ và làm theo quy định. Hơn nữa, họ làm từng bước chứ không phải áp dụng ngay.

ls-truong-thanh-duc-viettimes.jpg
LS.Trương Thanh Đức: "Nếu để ngừng hoá đơn thì doanh nghiệp có nguy cơ bị ngừng hoạt động mà vẫn phải nộp thuế kèm thêm phí phạt chậm nộp.

Theo ông Trương Thanh Đức, để giải quyết vấn đề phải có cơ chế cho phép giãn, hoãn thuế để kéo dài tạm thời. Trường hợp, doanh nghiệp muốn kéo dài tạm thời thì có nhiều cách như làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét tạo điều kiện theo quy định của pháp luật. “Nếu không làm được thì doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa”, ông nói.

Ngoài ra, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng còn có cách giải quyết khác như các cổ đông có thể tăng vốn điều lệ hoặc cho công ty vay để nộp thuế hoặc doanh nghiệp vay mượn từ nhiều nguồn khác như ngân hàng, kêu gọi các nhà đầu tư.

“Nếu doanh nghiệp không nộp đủ số tiền thuế nợ theo quy định sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn thì có nguy cơ bị ngừng hoạt động mà vẫn phải nộp thuế kèm theo tiền phạt chậm nộp”, vị luật sư cho hay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính), cũng cho rằng Luật Thuế đã quy định thì mọi người phải tuân thủ, dù nợ thuế một đồng cũng phải nộp, không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ. Đây là vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật.

Theo chuyên gia, người đại diện pháp luật phải tự tính toán, kê khai và chấp hành việc nộp thuế. Hơn nữa, việc tra cứu thông tin về thuế hiện nay rất đơn giản, dễ dàng, thuận tiện. Thậm chí trước khi đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh thì cán bộ thuế đã thông báo, nhắc nhở, thậm chí mời làm việc, chứ không tự dưng đề nghị cấm xuất cảnh.

Cả năm 2023 đến tháng 8/2024 có 17.952 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người còn nợ thuế đã có từ nhiều năm trước. Gần đây nhất, Luật Quản lý thuế năm 2020 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (có hiệu lực từ tháng 7/2020) cũng có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế.

Theo pháp luật hiện hành, người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế. Trong luật không có quy định thế nào là khoản nợ thuế nhỏ hay lớn. Những người nộp thuế (gồm cả cá nhân, doanh nghiệp) đang thuộc đối tượng bị cưỡng chế thuế phải hoàn thành nghĩa vụ về thuế trước khi xuất cảnh.

Đối với những pháp nhân đang bị cưỡng chế thuế, khi pháp nhân vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì người đại diện pháp nhân sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Vào hồi tháng 2/2024, Tổng cục Thuế đã có Công văn 511 chỉ đạo các cục thuế xem xét áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho các trường hợp chây ì nợ thuế, đặc biệt tập trung các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh mà vẫn còn nợ thuế.

Sau chỉ đạo này, các cục thuế tích cực rà soát để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nên số lượng thông báo tạm hoãn xuất cảnh ban hành trong năm 2024 tăng lên đáng kể.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tính cả năm 2023 đến tháng 8/2024, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng. Trong đó, có 10.829 trường hợp là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 6.894 tỷ đồng.

Cả năm 2023 chỉ thông báo tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp với tổng số tiền thuế nợ là 6.719 tỷ đồng.