Tảo hôn luôn là một vấn đề gây tranh cãi ở Indonesia. Gần đây, câu chuyện về một cặp đôi trẻ tuổi vị thành niên bị ép kết hôn chỉ sau bốn ngày hẹn hò đã gây “rúng động” dư luận.
Theo thông tin được đăng tải, Suhaimi (15 tuổi) và bạn gái của cậu bé, Nur Herawati (12 tuổi) đã bị cha mẹ của bé gái gây áp lực về cuộc hôn nhân. Nguyên nhân là do cả hai bị cáo buộc là đã vi phạm luật hẹn hò theo phong tục địa phương: cấm các cặp đôi trẻ trở về nhà sau khi trời bắt đầu tối.
Và trong khoảng đầu tháng vừa qua, chàng thiếu niên đã đưa bạn gái trẻ về nhà sau 19 giờ 30, điều này khiến cha mẹ cô bé không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ép buộc kết hôn…
Lễ thành hôn của cặp đôi (còn gọi là lễ Ijab kabul) đã có sự chứng kiến của hàng chục người thân và hàng xóm. Toàn cảnh của đám cười này đã được quay lại và chia sẻ trên mạng xã hội Indonesia suốt thời gian qua. Điều này làm dấy lên một cuộc tranh cãi về nạn tảo hôn.
Theo báo cáo của Coconuts Jakarta, đám cưới này không được thừa nhận bởi Văn phòng các vấn đề tôn giáo (KUA), nơi phê chuẩn hợp pháp các cuộc hôn nhân ở Indonesia. Dẫu vậy, gia đình hai bên vẫn cố chấp cho rằng cặp đôi đã nên duyên vợ chồng. Trước đó, cha mẹ của Suhaimi đã cố gắng ngăn cản cuộc hôn nhân này nhưng không thành công.
“Họ đổ lỗi cho phong tục, rằng nếu bạn đưa một cô gái về nhà muộn, bạn phải cưới cô ấy. Chúng tôi đã cố gắng ngăn cản điều này nhưng cha mẹ của cô dâu khẳng định con mình phải kết hôn” – Ehsan, trưởng làng Montong Praje, ở trung tâm Lombok, cho biết.
Hai thiếu niên hiện đang sống như vợ chồng tại nhà của bố mẹ Suhaimi.
Giờ giới nghiêm hẹn hò kỳ lạ này có nguồn gốc từ phong tục của người Sasak, chủ yếu sống trên đảo Lombok. Tộc người này còn được cho là có truyền thống "bắt cóc cô dâu". Theo đó, một người phụ nữ sẽ bị chồng tương lai của mình bắt đi trước đám cưới.
Indonesia đã sửa đổi luật hôn nhân và nâng độ tuổi tối thiểu kết hôn cho nữ giới từ 16 tuổi lên 19 tuổi, nhưng các bậc phụ huynh vẫn đưa ra "cấm đoán" vì lý do tín ngưỡng. Thậm chí, một số người Indonesia không hề bận tâm đến việc hợp pháp hóa hôn nhân. Thay vào đó, họ chọn các nghi lễ tôn giáo.