|
Ngoài những hình ảnh cá chết trắng xóa dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung VN, nhóm thực hiện phóng sự của PTS cũng tiến hành phỏng vấn người dân VN về tình hình cá chết, ghi lại cảnh khổ sở của ngư dân xã Kỳ Phương (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh). “90% dân trong xóm này đ |
Phóng sự VN cái chết của cá dài gần 60 phút được phát sóng lần đầu vào tối 20.6, phát lại vào 11 giờ trưa 25.6 trên kênh truyền hình PTS (Đài Loan), đã làm dấy lên nhiều phản ứng dữ dội đối với vụ việc. Đặc biệt, nhiều ý kiến tại Đài Loan yêu cầu làm rõ vai trò của Tập đoàn Formosa, bị nghi là nguyên nhân số 1 gây nên loạt hiện tượng ô nhiễm biển nghiêm trọng tại VN thời gian qua
“Đừng để nỗi đau lan sang VN”
Ngoài những hình ảnh cá chết trắng xóa dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung VN, nhóm thực hiện phóng sự của PTS cũng tiến hành phỏng vấn người dân VN về tình hình cá chết, ghi lại cảnh khổ sở của ngư dân xã Kỳ Phương (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh). “90% dân trong xóm này đều làm nghề biển” và cuộc sống của họ hiện đang rất lao đao. Trả lời phỏng vấn, người dân địa phương cho biết ngoài sinh kế bị ảnh hưởng trầm trọng, sau khi ăn phải cá trong vùng ô nhiễm, sức khỏe họ cũng ảnh hưởng.
Nội dung phóng sự nhấn mạnh vụ cá chết hàng loạt đã biến cuộc sống người dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ mất sạch vốn liếng do bỏ tiền mua cá, nay không dám ăn cá vì sợ nhiễm độc, cũng không thể bán, đành… cất lạnh để đó.
Trước đây khi công ty Mỹ sang Đài Loan đầu tư đã gây ô nhiễm nghiêm trọng tới đất đai Đài Loan, khiến người dân xứ Đài phải chịu nhiều suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Chúng ta đã thấm thía nỗi đau đó, vậy đừng để nỗi đau này chuyển sang với người dân VN
Một thanh niên Đài Loan
Những cảnh quay cho thấy rõ sự khốn khó trong các hộ gia đình ngư dân khi phải nằm bờ, chỉ biết trông chờ vào số gạo hỗ trợ từ nhà nước, trong khi thu nhập bình quân mỗi tàu cá trước kia có thể lên tới 200 - 300 triệu đồng/tháng trong vụ thu hoạch. Để làm nổi bật thêm tình hình, phóng viên PTS cũng cung cấp cho người xem Đài Loan thông tin về tầm quan trọng của nghề cá của VN với xuất khẩu thủy hải sản chủ lực nhiều nước và khu vực trên thế giới. Người xem cũng không thể không thấy nhói lòng trước những hình ảnh tay ngư dân bị lở ngứa bởi chất nhớt màu vàng bám dính vào lưới, biển vắng tanh không ai dám tắm hay những lời ngậm ngùi từ bạn lặn của người thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày, làm việc tại cảng Sơn Dương đã tử vong đột ngột vào ngày 24.4.2016...
Trong phóng sự, nhiều người dân trả lời phỏng vấn đã cáo buộc: “Chính Formosa là nguyên nhân gây ra tai họa cho cái chết của cá”. Theo kênh PTS, Formosa Hà Tĩnh được đầu tư bởi Formosa Đài Loan (70%), China Steel (25%), Tập đoàn thép Nhật Bản JFE (5%). Phóng sự cũng đưa ra nghi vấn về thông tin thủy triều đỏ gây nên nạn cá chết và nhận định điều này chưa đủ sức thuyết phục.
Không chỉ thực hiện tại VN, phóng sự VN cái chết của cá còn phát hình ảnh những cuộc biểu tình tại Đài Loan yêu cầu chính quyền sở tại có động thái làm rõ và xử lý trách nhiệm nếu có liên quan đến vụ cá chết. Tham gia biểu tình có cộng đồng Việt tại Đài Loan và cả người bản xứ. Trong đó, nhiều người Đài Loan đòi chính quyền Đài Bắc phải đối diện giải quyết vấn đề ô nhiễm biển cho người dân VN. “Trước đây khi công ty Mỹ sang Đài Loan đầu tư đã gây ô nhiễm nghiêm trọng tới đất đai Đài Loan, khiến người dân xứ Đài phải chịu nhiều suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Chúng ta đã thấm thía nỗi đau đó, vậy đừng để nỗi đau này chuyển sang với người dân VN”, một thanh niên Đài Loan tham gia biểu tình thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, phóng sự cũng ghi lại cuộc họp báo ngày 16.6 tại Đài Bắc do một nhóm nghị viên thuộc đảng Dân Tiến cầm quyền (DPP) phối hợp với nhiều nhà hoạt động môi trường tổ chức nhằm kêu gọi chính quyền thắt chặt các quy định về môi trường đối với doanh nghiệp Đài Loan khi đầu tư ra nước ngoài đồng thời yêu cầu Formosa chịu trách nhiệm xã hội nếu bị chứng minh gây ô nhiễm biển ở VN.
Một số hình ảnh trong phóng sự ẢNH: PTS/CHỤP TỪ CLIP |
Ảnh hưởng chính sách
Trong phóng sự, PTS cũng đề cập quan ngại rằng nếu vụ cá chết không được giải quyết rốt ráo thì sẽ gây tác động xấu tới chính sách “Hướng nam mới” của lãnh đạo Thái Anh Văn. Chính sách này nhấn mạnh về chuyển đổi mô hình kinh tế Đài Loan nhằm phát triển hợp tác với ASEAN và 6 nước Nam Á, được bà Thái đề ra từ tháng 9.2015 và đặc biệt nhấn mạnh trong lễ nhậm chức ngày 20.5.2016.
Phóng sự dẫn lời nghị sĩ viên Tô Chí Phần của DPP nhận định, nếu chính quyền mới của Đài Loan không giải quyết một cách thận trọng trước bức xúc lan rộng của cộng đồng người Việt thì sẽ không thể khép lại hệ lụy. “Formosa không được xã hội tin tưởng chính vì Formosa không quan tâm tới trách nhiệm xã hội, phớt lờ những ngờ vực của người dân địa phương về vấn đề ô nhiễm công nghiệp, từ đó đã làm vấy bẩn cả hình ảnh của doanh nghiệp này,” bà Tô nói.
Vị nghị viên cảnh báo thêm nếu không thận trọng đối diện với những nghi vấn của xã hội VN đối với ô nhiễm biển thì những chính sách của Đài Loan sẽ gặp nhiều trở ngại. “Chính quyền mới của Đài Loan cần chủ động đối mặt với sự kiện cá chết tại VN, thậm chí cần thúc giục Formosa và nhanh chóng thành lập đoàn điều tra nhiều thành viên”, bà Tô tuyên bố.
Trong khi đó, nghị viên Ngô Côn Dụ kêu gọi chính quyền Đài Loan thực hiện chính sách “láng giềng tốt” và cung cấp các hỗ trợ cần thiết để điều tra nguyên nhân ô nhiễm biển ở miền Trung VN. Ông khẳng định thêm rằng các công ty Đài Loan cần nghiêm khắc tự áp dụng các “tiêu chuẩn cao” trong sản xuất. “Formosa và China Steel cần có trách nhiệm xã hội, phải chủ động làm rõ việc Formosa Hà Tĩnh có liên quan đến hiện tượng ô nhiễm biển VN hay không”, ông Ngô nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Luật gia môi trường Đài Loan Trương Dụ Doãn cho rằng quá trình xem xét đầu tư của Đài Loan cần được sửa đổi để thúc đẩy các tập đoàn đang hướng về phía nam thực hiện trách nhiệm xã hội của mình và hành động như một phần của cộng đồng quốc tế tốt đẹp. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh chính quyền Đài Loan cần can thiệp và đảm bảo rằng doanh nghiệp vùng lãnh thổ này đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, nhân quyền và lao động.
Theo Thanh Niên