|
Lời của Tổng bí thư là mệnh lệnh hành động. |
Tham nhũng có ở mọi nơi
“Những từ ngữ mạnh mẽ nhất, hay nhất về PCTN thì đã nói hết, bây giờ phải hành động thôi”. Đó là lời phát biểu của Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương tại một hội nghị tổng kết công tác PCTN do TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2017. Từ thời khắc đó đến nay đã hơn 1 năm, công tác PCTN đã có những hành động quyết liệt. Người cùng tham dự chỉ đạo phiên họp năm đó với ông Phan Đình Trạc là ông Đinh La Thăng sau đã trở thành tội phạm trong công cuộc PCTN mà Đảng đã quyết tâm hành động. Tuy nhiên PCTN chưa bao giờ là dễ dàng trên thế giới nói chung và đặc biệt là Việt Nam, nơi mà thể chế pháp lý về quản lý kinh tế chưa khép kín, quản lý tài sản thu nhập người có chức vụ còn lỏng lẻo, kiểm soát quyền lực chưa thật sự hiệu quả, thì công cuộc PCTN càng khó gấp bội .
Mặc dù về thể chế quản lý kinh tế đến những năm đầu thế kỷ XXI đã cơ bản được hoàn thiện, Luật PCTN cũng đã được ban hành nhưng xem ra tham nhũng như căn bệnh trầm kha ngày càng nặng hơn: từ đền bù giải phóng mặt bằng cho đến mua bán tài sản công, công tác cán bộ, phân bổ ngân sách, xây dựng cơ bản ... đâu đâu cũng xuất hiện tham nhũng. Hành vi tham nhũng diễn ra khắp nơi từ cấp quản lý bé nhất là thôn xóm, làng xã cho đến cấp cao nhất là Trung ương. Tham nhũng diễn ra kể cả trong lực lượng PCTN , các ngành tư pháp, lực lượng vũ trang.
|
Chống tham nhũng chính là tạo ra sự công bằng cho xã hội
|
Nhận diện tham nhũng
Kẻ tham nhũng chắc chắn là người có chức vụ và quyền hành để có điều kiện thao túng thể chế, bóp méo sự thật nhằm trục lợi vật chất, quyền lực cho bản thân và gia đình. Mặc dù họ chỉ là một nhóm người nhỏ trong xã hội và nằm trong sự kiểm soát của tổ chức Đảng nhưng họ có những quyền lực rất lớn để họ biến quyền lực đó thành những công cụ tham nhũng tinh vi , xảo quyệt.
Quyền lực là công cụ để kỹ trị xã hội, trong đó chống tham nhũng cũng cần những “quyền lực tối thượng” để thực thi . Một khi quyền lực đã bị tha hóa để phục vụ cho nhóm lợi ích thực hiện các hành vi tham nhũng thì thật là nguy nan. Một năm có hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm toán, mỗi đơn vị bộ, ngành, địa phương chịu sự giám sát của hàng loạt tổ chức có quyền biến về PCTN nhưng số lượng vụ việc được phát hiện là có tham nhũng thì chủ yếu là từ truyền thông và tố cáo của người dân. Phải chăng quyền lực đang bị rơi vào vòng luẩn quẩn “Ta” với “Ta”. Đã có lúc người đứng đầu của Đảng phải yêu cầu những ai nản chí trong công cuộc PCTN thì tránh ra một bên để người khác làm.
Thanh bảo kiếm nào để PCTN có hiệu quả?
Hành động quyết liệt để PCTN chỉ thật sự có hiệu quả khi mà mọi biện pháp phải được triển khai đồng bộ. Từ thể chế quản lý kinh tế phải được rà soát kỹ lưỡng, bổ sung chế tài để nhóm lợi ích không thể dùng quyền lực mà thao túng; xây dựng một xã hội mà nơi đó tham nhũng không có đất sống, muốn tham nhũng cũng không có cơ hội- đó là bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, minh bạch hóa cao nhất có thể mọi lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực tham nhũng; kiểm soát chặt chẽ tài sản nhóm người có chức vụ quyền hạn và điều kiện để sản sinh ra tham nhũng. Ràng buộc trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý thật rõ ràng đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức để xảy ra tham nhũng. Có biện pháp giám sát chặt chẽ các hoạt động của những cơ quan được giao trọng trách PCTN. Đối với người đứng đầu các tổ chức PCTN phải được lựa chọn kỹ càng và luôn cải thiện thu nhập không ngừng đối với bộ máy nhà nước đang thực thi công vụ. Dứt khoát không tạo ra vùng cấm vô hình trong công tác PCTN, phong trào “đốt lò” phải được động viên khích lệ ở khắp mọi nơi nhằm tạo nhận thức cho nhân dân rằng ngày nay phòng chống tham nhũng không còn cô độc nữa mà nó đã trở thành phong trào và xu thế không ai cưỡng lại được.
|
Đưa ra xét xử những vụ án lớn là thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc PCTN
|
Một đất nước có được môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh là một đất nước ít tham nhũng, chi phí không chính thức tuyệt đối không tồn tại. Chống tham nhũng chính là tạo ra sự công bằng cho xã hội mà nơi đó hoạt động SXKD, đầu tư đang ngày ngày bị tác động xấu của nhóm lợi ích. Trong thời gian tới khi phong trào khởi nghiệp và làn sóng đầu tư hưởng ứng hiệp định CPTTP đang đến gần, việc cấp thiết xác lập môi trường đầu tư kinh doanh nói không với tham nhũng đang là đòi hỏi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải “hành động” quyết liệt hơn nữa vì, như ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nói, “mọi lời nói hay nhất , mãnh mẽ nhất về PCTN đã được nói rồi; nói hết cả ngôn từ rồi; các giả pháp cũng đa được đưa ra nhiều rồi; vấn đề còn lại là phải hành động quyết liệt hơn nữa”.
“Thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Kết quả năm 2017 chứng tỏ điều đó, không làm cho phong trào đi xuống mà còn đi lên. Kinh tế-xã hội quý 1 lần đầu sau 10 năm đạt 7,38%. Có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận không nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy, mặt được là như vậy, bây giờ tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực”- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) (Phát biểu sáng 10/4/2018, tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư, kiểm tra 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) |