|
Chiếc xe của ông Hòa tại Công an phường Tân Phong (Q.7) |
Nhiều bạn đọc quan tâm câu chuyện nhân viên hãng taxi Mai Linh yêu cầu Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á Trần Thái Hòa lái xe ra chỗ khác đậu vì theo cô này, đó là nơi đậu xe dành riêng cho hãng Mai Linh, ông Hòa đã rút súng gí vào mặt nữ nhân viên này.
Theo đó, tối 10-4, ông Hòa lái xe Lexus đến trước nhà số S36 Phạm Thái Bường (P.Tân Phong, Q.7) đậu. Lúc này chị Huỳnh Thi Thanh Vy (nhân viên hãng taxi Mai Linh) đến yêu cầu ông Hòa lái xe đi nơi khác, vì theo chị Vy chỗ ông Hòa vừa đậu xe là nơi đậu xe dành riêng cho hãng này.
Ông Hòa rút trong người ra khẩu súng RG88 (loại súng công cụ hỗ trợ) chĩa thẳng vào mặt chị Vy.
Tại trụ sở công an P.Tân Phong, ông Hòa xuất trình được giấy phép sử dụng súng công cụ hỗ trợ do công an tỉnh An Giang cấp cho một chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á tại tỉnh này, một biên bản bàn giao súng giữa chi nhánh ngân hàng trên và ông Hòa.
Bạn đọc đặt vấn đề ngân hàng Việt Á có được phép chuyển giao súng cho ông Hòa sử dụng không, nếu có, ông Hòa được sử dụng trong trường hợp nào. Trường hợp này có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng súng hay không...
Bên cạnh đó việc nhân viên taxi Mai Linh có quyền yêu cầu ông Hòa lái xe đi chỗ khác đậu không.
Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM về những vấn đề này.
Nhiều hành vi vi phạm
Theo quy định tại Điều 7, pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, chỉ giao cho người thuộc cơ quan, tổ chức sử dụng khi người đó có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về sức khỏe, đạo đức, được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng vũ khí.
Theo quy định thì khi ngân hàng (là một pháp nhân) có nhu cầu, làm văn bản đề nghị sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp súng công cụ hỗ trợ theo nhu cầu.
Quy trình cấp giấy phép, cấp súng phải được tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nếu ông Hòa đã xuất trình được giấy chứng nhận quyền sử dụng súng công cụ hỗ trợ cho chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á thì có thể hiểu việc cấp súng này là đúng quy định.
Như vậy, cần phải xem nội dung biên bản bàn giao súng công cụ hỗ trợ giữa Chi nhánh Ngân hàng Việt Á và ông Hòa.
Trong biên bản bàn giao súng có ghi rõ giao súng cho ông Hòa mang theo người, sử dụng vào các mục đích cá nhân hay không? Nếu biên bản bàn giao súng giữa hai bên có ghi giao súng để ông Hòa mang theo người, sử dụng vào mục đích riêng thì có thể khẳng định biên bản bàn giao này trái pháp luật, người có trách nhiệm bàn giao súng cũng sẽ bị xem xét xử lý hành chính về vi phạm các quy định về quản lý công cụ hỗ trợ.
Súng được giao cho các pháp nhân, tổ chức trong hệ thống ngân hàng là nhằm bảo vệ an toàn về tài sản, tính mạng những người có trách nhiệm bảo vệ tài sản hay an ninh, trật tự trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phía Chi nhánh ngân hàng bàn giao cho ông Hòa với tư cách là một lãnh đạo ngân hàng, dù có nội dung cho phép mang theo, sử dụng thì việc bàn giao này là trái pháp luật, vô hiệu, cả hai đều bị xử lý về việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Trong trường hợp Chi nhánh ngân hàng chỉ bàn giao cho ông Hòa quản lý súng trong thời gian cụ thể, vì mục đích cụ thể nào đó, đúng với quy định quản lý, sử dụng được chấp thuận khi cấp giấy phép sử dụng, cấp súng thì trách nhiệm của người bàn giao súng có thể không bị xem xét.
Ông Hòa gí súng vào đầu đe doạ người khác là một hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao độ, tùy vào mức độ tổn thương của người bị ông Hòa đe doạ mà có các hình thức xử lý khác nhau.
Theo Điều 33 của pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ mới được sử dụng, và chỉ sử dụng trong các trường hợp: Ngăn chặn đối tượng đang sử dụng vũ khí đe doạ người thi hành công vụ hoặc người khác, ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác; Bắt giữ người theo quy định của pháp luật; Thực hiện phòng vệ chính đáng…
Ở đây có thể thấy ông Hòa không có giấy phép sử dụng súng do cơ quan có thẩm quyền cấp, vì vậy việc mang súng, sử dụng súng là một hành vi vi phạm. Ông Hòa không bị đe doạ tới tính mạng, không phát sinh tình huống có quyền tự vệ mà rút súng đe doạ người khác là một hành vi vi phạm khác. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào các hành vi cụ thể này để ra quyết định xử lý với ông Hòa và xem xét trách nhiệm của người có thẩm quyền đã bàn giao súng cho ông Hòa.
Nhân viên Mai Linh có quyền không cho ông Hòa đậu xe?
Nhiều ý kiến đặt ra là việc hãng taxi Mai Linh có quyền có bãi đậu riêng biệt trong khu vực hay không? Có hai khả năng xảy ra, thứ nhất, bãi đậu xe đó thuộc thẩm quyền của ai, nếu là nơi được xác định quyền sử dụng, ai là người có quyền sử dụng thì người đó có quyền quyết định cho thuê, cho mượn, cho đậu.
Nếu Công ty Mai Linh đã thuê của người có quyền sử dụng bãi đậu xe đó, việc nhân viên của công ty nhắc nhở, đề nghị ông Hòa lái xe đi nơi khác là đúng.
Tuy nhiên, nếu nơi ông Hòa đậu xe là khu vực công cộng, không xác lập quyền sử dụng của ai mà nhân viên cuả Công ty Mai Linh ra nhắc nhờ, buộc ông Hòa lái xe đi nơi khác là sai.
Tuy nhiên cần phân biệt rõ hai hành động này, vì dù nhân viên của công ty Mai Linh đúng hay sai thì việc ông Hòa dùng súng đe doạ vẫn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Tuổi trẻ