Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ ngày 1/7, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh số tiền 500 triệu USD Formosa bồi thường do sự cố xả thải gây cá chết hàng loạt phải được sử dụng chính xác, đúng đối tượng, trên cơ sở kê khai thực tế thiệt hại và không để thất thoát, tiêu cực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Bộ Công thương cũng phải tham gia vì có những ngành nghề khác bị ảnh hưởng như diêm dân, dịch vụ, du lịch.
Ông đề nghị tập trung giúp ngư dân ra biển, tẩy rửa cải tạo môi trường, xây dựng trang thiết bị quan trắc môi trường. "Những việc này đòi hỏi chi phí cao nhưng cũng tạo ra thêm việc làm cho người dân", ông nói.
Dự kiến đến cuối tháng 7, Chính phủ sẽ công khai, minh bạch phương án hỗ trợ, đền bù thiệt hại.
Từ việc Formosa gây hậu quả nặng nề, ông Bình yêu cầu thanh tra, kiểm tra quá trình cấp phép cho doanh nghiệp này. "Phải xem trong quá trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch có tiêu cực hay không để xử lý nghiêm trước pháp luật", ông nói.
Ông cũng đề nghị rà soát thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước để kiểm soát được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường, bảo đảm thực thi đúng pháp luật; rút kinh nghiệm để ứng phó các sự cố tương tự nhanh chóng, không bị động.
Chia sẻ quan điểm về chủ trương bồi thường cho người dân tại 4 tỉnh miền Trung, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một số kiến nghị.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển đội tàu, đóng tàu mới, khôi phục nuôi trồng thủy hải sản, thu mua tạm trữ..., ông Nhân cho rằng Chính phủ cần công bố vùng ngư trường không an toàn để người dân tránh, yên tâm đánh bắt ở những nơi an toàn, được chứng nhận và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chỉ đạo kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quan điểm của Chính phủ sẽ theo hướng đầu tư cho đánh bắt xa bờ, mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững cho ngư dân.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra thực hiện pháp luật về môi trường, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, chủ động cung cấp thông tin về sự cố một cách chính xác, kịp thời.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao.
Để tìm nguyên nhân, 7 bộ ngành cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ, khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân là độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa. Tuy nhiên, nguyên nhân tảo nở hoa vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời chuyên gia từ Đức, Mỹ, Israel tham gia điều tra nguyên nhân cá chết, đồng thời lập đoàn liên ngành gồm đại diện các bộ và địa phương tổng kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng, nơi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có hệ thống ngầm xả thải ra biển.
Ngày 30/6, Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.
Theo VnE