Không còn thời gian để cảm thấy nản chí hay đuối sức
Kinh tế luôn là lĩnh vực nóng, nhất là trong năm qua nổi lên nhiều vụ việc như xử lý 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ ngành công thương, xử lý nợ công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty… Phó Thủ tướng có bao giờ thấy áp lực trước hàng loạt bài toán khó như vậy?
Đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với quá nhiều khó khăn, trong khi tham nhũng chưa được đẩy lùi và vẫn là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ như TƯ Đảng đã nhận định, thì phát triển kinh tế xã hội cũng còn nhiều tồn tại.
Điển hình như thu chi ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, thiên tai bão lụt liên miên, tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi.
Trong bối cảnh như vậy, không có nhiệm vụ nào là dễ dàng và chắc có lẽ không còn thời gian để cảm thấy nản chí hay đuối sức. Đất nước đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những cải cách và phải thực hiện sớm để đưa đất nước nắm lấy những cơ hội phát triển.
Điều nung nấu trong mỗi chúng ta là phải làm thế nào để tình hình chuyển biến thực sự. Muốn vậy, không còn cách nào khác, trước hết, phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Đi vào câu chuyển cụ thể trong việc xử lý tồn tại, vướng mắc 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ của ngành Công thương, với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo, ông có thể chia sẻ quá trình “tháo ngòi” 12 dự án này như thế nào?
Khi bắt đầu công việc này, tôi có động viên anh em trong Ban chỉ đạo đừng chưa lâm trận đã sợ, nếu để dự án chết là mất hết. Phải cân nhắc, tính toán kỹ từng phương án theo nguyên tắc không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, tồn tại của dự án; bảo toàn tài sản nhà nước ở mức cao nhất, giảm thiểu thiệt hại ngân sách nhà nước, song vẫn phải hài hòa các lợi ích.
Việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, nhưng phải tính đến các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích, không bỏ rơi người lao động và đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế lớn, xác định còn khởi động lại được, còn cứu được là phải cố gắng khởi động lại, cố gắng cứu, tất nhiên là phải tuân theo nguyên tắc hiệu quả.
Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt đến tổ chức thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Đến hết năm 2018 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý các dự án, doanh nghiệp; đến hết 2020 cơ bản xử lý xong các tồn tại, vướng mắc và yếu kém của các dự án.
Với quyết tâm như vậy và với những lần đi thị sát thực tế cho thấy tình hình không đến mức quá bi quan. Như các dự án đạm, DAP 1&2 của Tập đoàn Hóa chất đã khởi động lại, nhìn thấy được những kết quả.
Kết quả xử lý 12 dự án này đến hết năm 2017, các công việc đang tiến triển theo tiến độ đề ra và theo chiều hướng tích cực hơn.
Đón nhận áp lực, chấp nhận thách thức
Ông có bí quyết gì để vượt qua những khó khăn, thách thức này?
Về cá nhân, tôi cho rằng, muốn hoàn thành tốt nhất công việc của mình, nhiệm vụ của mình, phải có được sự cân bằng nhất định. Như ngày xưa trong thời chiến, đối diện giữa sự sống và cái chết, đồng bào và chiến sỹ ta còn luôn thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ảnh: Thành Chung |
Tôi thích triết lý về “vô vi”. Làm lặng lẽ, “vô vi”, nhưng phải mang lại hiệu quả cao. Đón nhận áp lực, chấp nhận thách thức như là cơ hội để thử sức mình. Trong 2 năm qua, điều mà tôi tâm đắc nhất là chúng ta dù phải chật vật giải quyết những tàn dư yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, nhưng thế nước vẫn đang ngày càng đi lên.
Năm nay, Chính phủ đưa ra phương châm hành động: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”. Phó Thủ tướng chia sẻ đôi điều về ý nghĩa cũng như giải pháp Chính phủ đặt ra để thực hiện phương châm này?
Đây là những thông điệp mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đem lại một sân chơi thực sự lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các khu vực kinh tế, bất kể là DNNN, DN tư nhân hay DN FDI.
Để tạo sự minh bạch, bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, mô hình quản trị nền kinh tế phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất. DN thuộc mọi thành phần kinh tế đều cần môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, nhưng mong đợi nhất vẫn là các DN tư nhân.
Để quản trị nền kinh tế có hiệu quả, trước tiên phải phân định rõ ràng những nhiệm vụ công-tư. Đó là tăng cường sự bảo đảm về quyền tài sản, thực thi cạnh tranh, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế.
Dịch vụ hành chính công cần cung cấp theo hướng chuyển từ vai trò Nhà nước là người sản xuất và chủ sở hữu sang người hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và điều tiết, định hướng.
Nhà nước giảm sự can thiệp hành chính vào điều hành nền kinh tế, chỉ tập trung quản lý, định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường cho doanh nghiệp DN phát triển. Mở rộng sự tham gia của mọi thành phần trong cung cấp dịch vụ công…
Để làm được những việc này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó quan trọng nhất là phân cấp cụ thể cho từng cấp ngành, địa phương, phù hợp để tránh ôm đồm, chồng chéo, phân tán nguồn lực. Không can thiệp sâu vào thị trường, làm méo mó thị trường, đoạn tuyệt với quy hoạch phi thị trường, chống xin- cho, ban phát, chống lợi ích nhóm.