Trong mắt trí thức Nghệ
Sáng Thứ 7 (19/3/2016), 2 ngày trước khi Kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) Khóa XIII họp phiên khai mạc, đang ngồi cafe, trò chuyện với ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương ở Cafe Lê Vũ (Hà Nội) thì cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tới, rồi dăm bảy người toàn nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức, quan chức thành đạt người xứ Nghệ ở Hà Nội kéo đến. Ông Hoàng rủ tôi nhập hội. Thôi thì đủ chuyện: từ nhân tình thế thái, rồi đặc tính người xứ Nghệ, văn hóa Nghệ, chất Nghệ, đến chuyện Hữu Thắng làm Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam. Nhưng cuối cùng thì câu chuyện lại quay về với vấn đề thời sự nhất: Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ sẽ giữ trọng trách gì trong Chính phủ mới.
Đặt mạnh cái ly xuống bàn làm cà phê trào cả ra ngoài, cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cao hứng: “Nói về con người Nghệ, Học giả Đặng Thai Mai nhận xét rất lý thú: “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến “cá gỗ”. Còn Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, một người con của chính xứ Nghệ thì bảo, người Nghệ có: “Một kẻ bình dân khố chạc (tiếng địa phương là cùng cực-NV); một con người chữ nghĩa văn chương; một chiến sĩ tiền phong cách mạng”.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thì bảo: “Người Nghệ: Có thật thà và có ma lanh; có khôn ngoan và có khờ dại; có dũng cảm và có cơ hội; có thẳng thắn và có ngang ngạnh, thậm chí cũng lắm chất gàn. Nhưng nhìn chung, người Nghệ dám làm, dám xả thân, dám sống và dám chết. Tôi yêu cái tính quyết liệt vì nghĩa lớn của người Nghệ”. Rồi nhân sĩ xứ Nghệ đúc kết: “Vương Đình Huệ mang những nét nổi trội của người xứ Nghệ: thẳng thắn, quyết liệt nhưng tài hoa và khéo léo”.
Không chỉ có người xứ Nghệ nể trọng Vương Đình Huệ mà những người từng làm việc với ông cũng đánh giá cao nhân cách của ông. Giám đốc Học viện Tài chính Ngô Thế Chi nói: “Vương Đình Huệ là người năng nổ, dám nghĩ dám làm, có sự quyết đoán cao. Ông cũng là người giản dị, thân thiện, được nhiều đồng nghiệp và sinh viên yêu quý”.
Còn PGS.TS Bùi Thiên Sơn, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính), từng là đồng nghiệp của ông Huệ chia sẻ: “Anh Huệ luôn thân thiện, cởi mở, gần gũi, khéo léo với mọi người, có ý chí vươn lên mạnh mẽ; rất cương quyết trong công việc. Anh ấy là người rất biết phát hiện và sử dụng nhân tài”.
Kiên quyết, khôn khéo
Tôi bắt đầu ấn tượng với Vương Đình Huệ đó là tại Hội nghị “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” ngày 20/9/2011, khi ông nói: “Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập Tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 80 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”. Một thái độ rõ ràng, dứt khoát- tố chất rất cần cho một nhà lãnh đạo ở một đất nước đang vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông Vương Đình Huệ trao đổi bên hành lang Quốc hội
Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói: “Vương Đình Huệ có hai thế mạnh. Một là, thông minh, rất mạnh về chuyên môn, tư duy rõ ràng, mạch lạc. Hai là, rất uyển chuyển trong xử lý các mối quan hệ kinh tế. Cái cần bổ sung là kinh nghiệm quản lý”. Ông Vũ Ngọc Hoàng, ngồi cạnh ông Tuyển, bổ sung: “Kinh nghiệm quản lý rồi sẽ được bồi bổ theo thời gian”.
Nhận xét của ông Trương Đình Tuyển không phải là không có lý. Ông Vương Đình Huệ là Tiến sĩ khoa học, được phòng hàm Giáo sư thuộc loại trẻ nhất nước. Ông trưởng thành tại Trường Đại học Tài chính- Kế toán Hà Nội: đi lên từ Giảng viên, Phó trưởng Khoa, Trưởng Khoa, rồi Phó hiệu trưởng. Tháng 7/2001 ông là Phó tổng kiểm toán Nhà nước và tháng 7/2006 ông được bầu làm Tổng kiểm toán Nhà nước. Tháng 8/2011 ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và ngày 28/12/2012, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Tại Hội nghị lần thứ Nhất BCH TƯ Đảng khóa XII (tháng 1/2016) ông Vương Đình Huệ được bầu vào Bộ Chính trị. Gần như toàn bộ hoạt động của ông gắn liền với ngành tài chính. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đây lại là thế mạnh, phải nói là rất mạnh của ông. Mặc dù đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính vẻn vẹn có 16 tháng, ông làm chưa được nhiều, nhưng những thay đổi, quyết sách của ông là nền móng cho những hoạt tài chính những năm gần đây, đặc biệt là trong chính sách tài chính, bình ổn giá cả, đặc biệt là xăng dầu.
“Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm”
Giáo sư Phan Huy Lê có lần nói: “Con người Nghệ An phải vươn lên trong cuộc sống, nên nổi tiếng hiếu học. Có gia đình ngày ba bữa: sáng khoai, trưa khoai, tối khoai mà ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà. Học trò xứ Nghệ xưa đều phải vượt khó, ngày làm đêm học, nên thường lấy sự kiên nhẫn tạo ra thành quả trong học tập. Nhiều học trò phải học dưới ánh trăng, học trên lưng trâu, đốt lá cây để đọc sách, dùng mo cau thay giấy, bút là cành cây viết chữ trên đất... Nếp sống trong học tập của học trò xứ Nghệ có thể gọi là “khổ học”, đã trở thành một nét thuộc bản sắc truyền thống văn hóa địa phương. Niềm khát vọng vươn lên trong khoa bảng của người dân xứ Nghệ rất mãnh liệt”.
Có thể nói Vương Đình Huệ đã sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy. Ông là con thứ tư trong một gia đình nghèo có tới 8 người con. Bố bị thương nặng trong một trận ném bom của Mỹ, mất sớm, mẹ mò cua, bắt ốc nuôi 8 anh em ông nên người.
Người làng Xuân Lộc (xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc) đều hết lời ca ngợi bà Cầm, người mẹ tảo tần, cơ cực, nhưng đã nuôi dạy các con nên người. Mặc dù cơm không đủ no, áo quần không đủ mặc, nhưng tuổi thơ của Vương Đình Huệ được nuôi dưỡng bởi truyền thống gia đình “trọng chữ hơn trọng miếng ăn”, tinh thần hiếu học của người xứ Nghệ và đặc biệt trong “cái nôi” những làn điệu dân ca mộc mạc của người mẹ. Cũng như bao bà mẹ xứ Nghệ, bà Cầm đã có ý thức chăm lo việc đèn sách cho con cái ngay từ khi mới được sinh ra, khi còn bú ẵm, nằm nôi, qua những lời ru: “Con ơi mẹ dạy con này,/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Bà đã gieo vào các con niềm tự hào của làng quê: “Làng ta khoa bảng thật nhiều/ Như cây trên núi, như diều trên không”.
Lớn lên một chút, ngoài giờ lên lớp, hôm thì Vương Đình Huệ trông em, hôm thì đi mò cua, bắt ốc; mót khoai giúp mẹ. Với tư chất thông minh lại hay mày mò khám phá nên Vương Đình Huệ học rất giỏi. Mấy chục năm xa quê rồi mà mỗi khi răn dạy con cái người làng Xuân Lộc vẫn đem Vương Đình Huệ ra để làm gương.
Thầy Hoàng Văn Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 1, bạn học những năm cấp 3 với ông Vương Đình Huệ nhớ lại: “Ngày trước, Vương Đình Huệ học giỏi nổi tiếng ở xứ Nghệ. Nhờ thành tích học tập tốt mà anh từng được tỉnh Nghệ An tặng cho cả chiếc xe đạp. Giờ đây không chỉ riêng địa bàn huyện Nghi Lộc mà nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, không ít các thầy cô, giáo đã lấy câu chuyện hiếu học, học giỏi và con người biết tôn sư trọng đạo của Vương Đình Huệ để nêu gương cho các thế hệ học trò”.