Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi về phương án thi THPT sau năm 2020

VietTimes -- Sáng 25/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đã nghe thảo luận về dự kiến phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, các ý kiến khẳng định việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết, đúng hướng, trong đó quan trọng nhất là việc đánh giá kết quả học tập của học sinh khách quan và trung thực hơn.

Cơ hội vào học ĐH, CĐ của học sinh được mở rộng hơn, phù hợp với nguyện vọng gắn với lộ trình tự chủ ĐHl; học sinh bớt học tủ, học lệch, bớt "lò" luyện thi, trong lúc đã có sự đổi mới về phương pháp dạy và học. Dù còn những điểm tồn tại, nhưng kỳ thi THPT quốc gia giúp làm giảm đáng kể áp lực cho học sinh, gia đình, xã hội.

“Lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia được dự kiến từ lúc bàn xây dựng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua 5 năm triển khai đổi mới kỳ thi THPT quốc gia cho thấy cái gì đã đúng thì chúng ta phải kiên định, kiên trì làm theo. Không vì một số sự cố, hiện tượng gian lận mà thay đổi lộ trình, mục tiêu” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới - nhấn mạnh: Chương trình mới chuyển cách dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, việc hoàn thiện kỳ thi THPT hết sức cần thiết, đặc biệt là khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi.

Theo GS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, phương án thi THPT sau năm 2020 phải theo kịp được sự phát triển của giáo dục thế giới, ứng dụng được tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.