Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã làm việc với Ban Cán sự Đảng bộ Công Thương về kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương hôm nay (6/1).
Phó Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cần tiếp tục kiên trì, kiên quyết, trên tinh thần “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giữ vững niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như: Cơ chế, chính sách về quản lí KT-XH còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng, nhưng chậm sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lí, sử dụng đất, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lí, sử dụng tài sản công, quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tham nhũng vặt đã và đang được chỉ đạo xử lí nghiêm, song chuyển biến chậm.
Với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là Bộ quản lí đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Sự phát triển của ngành công thương cũng chính là sự phát triển của đất nước. Nhưng cũng đã xảy ra không ít sự việc ảnh hưởng đến hiệu quả quản lí, uy tín của ngành công thương, nhất là tình trạng một số dự án lớn bị thua lỗ, kém hiệu quả, hoạt động quản lí thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua cuộc kiểm tra lần trước, Đoàn kiểm tra và Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thống nhất nhận diện nhiều hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng của Bộ và phân tích rõ nguyên nhân. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã có kiến nghị 10 điểm cụ thể đối với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương.
Từ đó, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng tại Bộ Công Thương nói riêng và cả nước nói chung.
Nghiêm túc xử lí trách nhiệm người đứng đầu
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Ban Cán sự Đảng của Bộ chỉ đạo nghiêm túc việc xử lí trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh báo cáo tại buổi làm việc.
|
Với quan điểm đổi mới, trách nhiệm, quyết liệt hành động, trong các năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến từ rất sớm, xác định các nhóm nội dung ưu tiên để đưa lên Cổng dịch vụ công gắn liền với hiệu quả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động quản lí, điều hành, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.
Đến nay, tất cả 292 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lí Nhà nước của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên, trong đó 166 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Đã có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Bộ đã xử lí hơn 1.200.000 bộ hồ sơ điện tử qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi lên Bộ.