Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các cán bộ, công chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ảnh: VGP/Thành Chung) |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh một trong những điểm sáng về kinh tế được đánh giá cao trong năm 2018 là việc Chính phủ đã thành lập và đưa CMSC vào hoạt động.
Nhắc lại khoảng thời gian 5 năm chuẩn bị cho việc thành lập CMSC, Phó Thủ tướng khẳng định mô hình hoạt động hiện nay của cơ quan này đã được Chính phủ chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý trong và ngoài nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam và việc quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc các bộ, ngành bàn giao 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước về CMSC trong năm qua chỉ là bước đầu, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban tiếp tục dày công nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, nắm vững thực trạng, “chân tơ, kẽ tóc” của từng đơn vị để có cách ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị CMSC tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ, công chức để có đội ngũ cán bộ tinh, gọn, có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
“Tuyển dụng cán bộ vào làm việc tại Ủy ban (CMSC) phải bảo đảm các tiêu chí trong sáng, tự trọng và có trách nhiệm. Mỗi vị trí việc làm đều phải bảo đảm đủ khả năng xây dựng được một Đề án cải cách cách hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Không đủ các yếu tố này thì không nên vào và tuyển dụng vào làm việc tại Ủy ban” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết cuối quý I/2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ công bố Sách trắng về thực trạng doanh nghiệp năm 2018, trong đó có nội dung so sánh hiệu quả sử dụng đồng vốn giữa doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp khác, từ đó nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách.
Để đạt được yêu cầu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh CMSC cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu CMSC thoái toàn bộ vốn không phải lĩnh vực kinh doanh chính ra khỏi các tập đoàn, tổng công ty ở những lĩnh vực, địa bàn không cần nắm giữ (trừ trường hợp đặc biệt), chấm dứt việc phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.
VNPT sẽ thực hiện IPO vào cuối năm 2019
Cùng ngày, Phó Thủ tướng cũng đã tới tham và làm việc với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Làm việc với Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu, VNPT đã có bước chuyển mạnh mẽ, năm 2018 doanh thu đạt gần 155.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 25% so với thực hiện năm 2017, tốc độ tăng trưởng 25,3%, thu nhập bình quân của người lao động lên đến 28 triệu đồng/tháng, đây là những con số rất ấn tượng.
“Vấn đề quan trọng là trong bối cảnh vừa thực hiện tái cơ cấu, vừa chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, VNPT đã bước dầu thể hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng Chính phủ điện tử, thiết lập nền tảng hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực giáo dục, y tế… Chính phủ đánh giá VNPT cơ bản đã thực hiện được vai trò dẫn dắt và đi tiên phong trong cách mạng công nghiệp 4.0 và tiên phong trong xây dựng chiến lược 4.0” - Phó Thủ tướng đánh giá.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ hy vọng giai đoạn tới VNPT sẽ là hình mẫu làm bùng nổ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam, vươn lên trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số vào năm 2025, trở thành trung tâm giao dịch số tại Đông Nam Á và châu Á vào năm 2030 theo Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc tại VNPT (Ảnh: VGP/Thành Chung) |
Phó Thủ tướng đề nghị VNPT bám sát các nội dung Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đang xây dựng, đóng góp cho Chính phủ, cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam, các chính sách đầu tư cho an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu VNPT chuẩn bị tốt các điều kiện để IPO công ty mẹ vào cuối năm 2019 một cách cẩn trọng, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.
Tại buổi làm việc tại Agribank, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những nỗ lực của Agribank trong 5 năm qua với việc tái cơ cấu thành công giai đoạn I.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Agribank tiếp tục bảo đảm cung ứng vốn chất lượng cao cho nền kinh tế, tiếp tục tập trung triển khai thành công cơ cấu lại giai đoạn II. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý sự phát triển của công nghệ, Fintech sẽ làm giảm bớt ưu thế về mạng lưới của Agribank nên ngân hàng phải cơ cấu lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhưng vẫn phải “bám sát trận địa là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sát tới từng hộ nông dân, từng hợp tác xã, nông trại, trang trại”, cùng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, các tổ chức tài chính vi mô đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.
Ngoài phát triển tín dụng, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Agirbank phải nâng chỉ tiêu tăng trưởng dịch vụ phi tín dụng 25% trong năm 2019 thay vì mục tiêu 21% bằng các giải pháp căn cơ và áp lực lãnh đạo; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần, thực hiện IPO vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020./.