Philippines điều tra nghi vấn Huawei làm gián điệp cho Bắc Kinh

VietTimes – Bưu điện Tân hoa Buổi sáng đưa tin Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) sẽ mở cuộc điều tra nghi vấn Bắc Kinh dùng công nghệ của Huawei cho mục đích gián điệp.
Tướng Oscar Albayalde, người đứng đầu Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), cho biết ông sẽ chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật nước này điều tra cáo buộc Huawei làm gián điệp cho Trung Quốc. Ảnh: Rapler

Tướng Oscar Albayalde, người đứng đầu cơ quan Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) cho biết ông sẽ chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật nước này điều tra cáo buộc liên quan đến Huawei, sau khi truyền thông địa phương đặt nghi vấn xung quanh quyết định lựa chọn công ty có trụ sở tại Thâm Quyến làm nhà tài trợ vàng cho hội nghị thượng đỉnh phòng chống tội phạm mạng của Philippines hồi tháng 4.

Tuyên bố của lãnh đạo cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines đưa ra chỉ vài giờ sau khi tờ Rappler tiết lộ một bản ghi chú rò rỉ từ Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) nêu rõ những rủi ro khi hợp tác với công ty Trung Quốc.

Bản ghi nhớ viết ngày 25/1 của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng CH Séc và Pháp đã hạn chế sử dụng các sản phẩm của Huawei, chủ yếu bởi lo ngại về nguy cơ bảo mật.

Ngày 29/4, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính sách an ninh mạng, ông Robert Strayer cảnh báo các đồng minh tại Đông Nam Á (Philippines và Thái Lan), cho biết sẽ cân nhắc về mối quan hệ chia sẻ thông tin nếu 2 quốc gia này cho phép công ty Trung Quốc tham gia triển khai 5G.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong chuyến công du tới Manila.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là chia sẻ với thế giới về những rủi ro an ninh liên quan đến công nghệ đó [Huawei]: Rủi ro đối với người dân Philippines, rủi ro với an ninh Philippines, rủi ro Mỹ có thể ngừng hoạt động ở những nơi gần với thiết bị của Huawei”, ông Pompeo tuyên bố. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng thế giới mở to mắt về những rủi ro khi công nghệ đó [Huawei] đã trở thành một phần của cơ sở hạ tầng, cốt lõi hay nằm trong mạng lưới”.

Philippines “đảo trục” hướng về Mỹ?

Theo nhà phân tích Alvin Lim (Wikistrat), cuộc điều tra của cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines lần này có thể thúc đẩy Tổng thống Rodrigo Duterte tiến hành đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh ông Duterte đang phải đối mặt với sức ép gia tăng trong nước về vấn đề Biển Đông.

“Nếu cuộc điều tra cho thấy các cảnh báo về vấn đề bảo mật trong công nghệ Huawei là chính xác, thì phản ứng của ông Duterte có thể gây bất lợi cho Trung Quốc”, ông Lim nhận định.

Nhà phân tích của Wikistrat cho rằng đây chỉ là rắc rối tạm thời Philippines nếu không thể chứng minh công nghệ của Huawei tồn tại nguy cơ bảo mật.

Gần đây, nhà khai thác dịch vụ mạng lớn thứ 3 thế giới Vodafone đã xác nhận tồn tại “cửa hậu” (back-door) trên thiết bị mạng và phần mềm của Huawei. Phát hiện này cho thấy nghi ngờ của Washington đưa ra hoàn toàn có căn cứ.

Ngày 29/4, Vodafone đã xác nhận trên Bloomberg rằng chinh nhánh Vodafone tại Ý đã tìm thấy lỗ hổng “có nhiều đặc điểm giống liên quan đến cửa hậu” cách đây 1 thập kỷ.

Bất chấp nỗ lực kêu gọi các đồng minh của Mỹ, Philippines (đồng minh đã ký kết hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ) dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã chấp nhận Huawei như một động thái nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tại diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” lần II diễn ra tại Bắc Kinh tuần qua, ông Duterte là một trong 40 nhà lãnh đạo trên thế giới đặt bút ký kết 19 thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá khoảng 12 tỷ USD.

Vào tháng 11/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Durterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông qua dự án xây dựng hệ thống camera giám sát khổng lồ “Philippines An toàn” (Safe Philippines) tại Manila và Davao có trị giá 400 triệu USD.

Tổng thống Philippines Rodrigo Durterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn cấp cao "Vành đai và Con đường" lần II diễn ra tại Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Hiện tại, 2 nhà mạng lớn của Philippines là Smart và Globe Telecom đã gạt bỏ những lo ngại về khả năng bảo mật và cam kết sử dụng thiết bị Huawei trong quá trình triển khai mạng 5G.

Phát biểu bên lề diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” lần II, Bộ trưởng Bộ CNTT và Truyền thông Philippines, Eliseo Rio cho biết Manila “không có bằng chứng” về việc công nghệ Huaweiđe dọa tới an ninh quốc gia.

Chuyên gia Patricio N Abinales (Đại học Hawai tại Manoa) cũng nói rằng thiết bị Huawei vẫn rất phổ biến tại Philippines do mức giá cạnh tranh.

“Thông thường, trong cuộc sống hàng ngày, người Philippines sẽ tìm kiếm những sản phẩm dễ tiếp cận với giá phải chăng nhất”, ông Abinales phân tích. “Và điều Huawei đang cố gắng thực hiện  là đem đến cho khách hàng cùng loại dịch vụ mà 2 công ty viễn thông lớn, Globe và Smart Telecom, có thể cung cấp”.

Tuy nhiên, nhà phân tích Alvin Lim (Wikistrat) tin rằng một số người Philippines vẫn hoài nghi về khả năng đảm bảo an toàn thông tin của Huawei, đồng thời yêu cầu sự giám sát chặt chẽ hơn từ chính phủ.

Ông Lim lý giải rằng một phần xã hội Philippines còn nhớ về bê bối tham nhũng trong lĩnh vực viễn thông kéo dài hơn 1 thập kỷ, liên quan đến quyền tham gia xây dựng mạng băng thông rộng quốc gia của ZTE dưới thời cựu Thủ tướng Gloria Arroyo.

Giáo sư chuyên ngành Khoa học Chính trị, Maria Ela L Atienza (Đại học Philippines Diliman) nhận định cuộc điều tra Huawei là hợp lý.

“Tôi không nghĩ rằng vì Philippines xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, thì nên bỏ qua lo ngại về Huawei hoặc bất kỳ sản phẩm/hoạt động nào của Trung Quốc”, ông Atienza nói thêm. “Đặc biệt khi các quốc gia khác như đồng minh truyền thống là Mỹ đã cảnh báo về mối lo ngại này”.

Mặc dù, Washington đã thành công trong việc hạn chế hoạt động của Huawei tại một số quốc gia đồng minh, nhưng các nước Đông Nam Á hay thâm chí Anh, một thành viên trong tổ chức tình báo tín hiệu Five Eyes, đã chấp nhận công nghệ Huawei theo cách khác nhau trong cơ sở hạ tầng mạng 5G.

Theo SCMP