"Cá sạch" về đến chợ!
Sáng ngày 3/5, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đà Nẵng chính thức cho xuất hơn 4 tấn cá đã qua kiểm nghiệm đến 49 chợ lớn, 1 điểm bán tại trung tâm chợ cá trên địa bàn TP Đà Nẵng. Sự việc khiến người tiêu dùng phần nào an tâm quay lại với sản phẩm cá biển do ngư dân đánh bắt.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, hiện Sở đã hoàn tất khâu kiểm tra chất lượng cá và tiến hành việc bán cá sạch tại các chợ vào sáng nay (ngày 3/5). Đây là ngày đầu tiên tiến hành bán cá với số lượng khoảng 4 tấn cho tất cả 50 điểm bán tại các chợ trong danh sách đăng ký tại 7 quận, huyện.
"Ngoài việc có biển báo bán cá sạch do Sở NN&PTNT cung cấp, người bán còn có bảng hiệu có ghi tên, số điện thoại lẫn giấy chứng nhận cá sạch do chúng tôi cung cấp. Sau ngày đầu mở bán, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và mở rộng thêm các địa điểm bán cá sạch cho các tiểu thương khác. Tuy nhiên, người bán phải minh bạch, cụ thể trong việc đăng ký, khai báo nguồn gốc cá với ban quản lý các chợ", ông Nguyễn Phú Ban cho biết thêm.
Cũng sáng cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có chuyến kiểm tra, thăm hỏi đối với các tiểu thương tại hai điểm bán cá tại chợ An Hải Đông (đường Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà) và chợ Nguyễn Tri Phương (đường Lương Như Hộc, quận Hải Châu). Có mặt tại điểm bán cá sạch do chị Đặng Thị Thảo - Đặng Thị Nhung (chợ An Hải Đông), ông Đặng Việt Dũng hỏi thăm về việc kinh doanh, buôn bán của gia đình, sau khi người dân lo lắng không mua cá trong những ngày vừa qua.
Chia sẻ với báo chí, chị Đặng Thị Thảo cho biết: "Sau khi xảy sự việc ở Hà Tĩnh khiến người dân quay lưng với cá biển, cá bán không được nên hai chị em nghỉ bán. Nay được lãnh đạo thành phố quan tâm, hỗ trợ để bà con trở lại với con cá thì mừng lắm".
"Ngay sau khi có thông tin cá sạch, chị em chúng tôi lên tận chợ cá Thọ Quang để mua cá tươi, có chứng nhận về bán. Ban đầu chỉ lấy chừng 40kg thôi, nhưng bán tốt, ai đến mua mình đều đưa giấy chứng nhận kiểm nghiệm của cơ quan chức năng nên bán cũng được", chị Thảo chia sẻ.
Phiếu kiểm nghiệm "cá sạch" có gì?
Liên quan đến chứng nhận cá sạch ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Đà Nẵng cho biết: "Lô cá đầu tiên được kiểm nghiệm và được cấp chứng nhận sạch, an toàn đã được đưa về các chợ. Chậm nhưng yên tâm vì đã có kết quả rõ ràng".
Qua tìm hiểu, phiếu kiểm nghiệm mẫu cá ở Đà Nẵng được tiến hành với 4 chỉ tiêu kim loại nặng gồm: A sen (As), Chỉ (Pb), kim loại chuyển tiếp Camidi (Cd) và Thủy ngân (Hg). Sau khi xác định các chỉ số trong giới hạn cho phép thì lô cá được Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN & PTNT Đà Nẵng) cấp chứng nhận kết luận là cá sạch.
"Hiện nay tất cả cá về cảng đều được lấy mẫu và chuyển qua 2 trung tâm kiểm nghiệm là Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lương 2 (Quatest 2) và Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN & PTNT ) để kiểm nghiệm trước khi xuất bán. Do kiểm nghiệm đối với các chỉ tiêu kim loại nặng nên phải mất 15-16 tiếng đồng hồ mới có kết quả mà không có cách nào khác là phải chờ", ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Đà Nẵng chia sẻ.
"Như mẫu cá hôm qua và sáng nay mở bán. Khi tàu vào, chúng tôi lấy mẫu hồi 1h sáng rồi gửi mẫu đến Quatest 2 mãi đến 4h chiều cùng ngày mới có kết quả. Mà chúng ta không có cách nào khác là phải chờ. Đối với lô cá bán sáng nay, các chỉ tiêu kiểm nghiệm cho kết quả đều dưới ngưỡng cho phép. Chỉ tiêu As thì theo Quy chuẩn của Bộ Y tế, còn các chỉ tiêu còn lại thì theo quy chuẩn của ngành. Nên vấn đề hiện nay là tàu về rạng sáng hôm nay thì đến sáng hôm sau mới bán được. Một vấn đề nữa là lúc thời điểm nóng thì mình sẽ kiểm tra các chỉ số kim loại nặng quan trọng nhất thôi. Còn sau các thông tin của các cơ quan chức năng có thẩm quyền khoanh vùng vùng biển an toàn thì chắc sẽ giảm tiêu chí đi để có kết quả nhanh hơn", ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết thêm.
Như vậy, để con cá tươi và được cho là "cá sạch" đến với người tiêu dùng, ngư dân phải chờ ít nhất là 1 ngày từ khi vào bờ, bởi khi phiếu xét nghiệm cho kết quả thì phiên chợ đã kết thúc khá lâu, buộc các ngư dân phải chờ đến phiên chợ hôm sau.
Điều này rõ ràng đã tạo áp lực lên khâu bảo quản hải sản, vì nếu không bảo quản tốt thì "cá sạch" có thể đã... hỏng trong khi chờ kiểm nghiệm. Một ngư dân thừa nhận, đây là vấn đề rất khó và dự báo nếu để đảm bảo cung cấp cá sạch ở quy mô lớn hơn sẽ chắc chắn phải thay đổi, bổ sung hệ thống lưu trữ, bảo quản hải sản.
Bên cạnh đó, hiện việc kiểm nghiệm công nhận "cá sạch" chủ yếu thực hiện đối với 4 chỉ tiêu kim loại nặng. Đồng thời tên việc kiểm nghiệm là nhằm xác định và nếu đạt thì công nhận sản phẩm đã đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Nói cách khác, "cá sạch" là tên thường dùng gọi sản phẩm đã qua kiểm nghiệm và đạt chỉ tiêu quy định với 4 loại kim loại nặng trong thành phần cấu tạo, không bao gồm mọi chỉ số có trong thịt cá hay thịt hải sản đã đảm bảo.
Ngoài Đà Nẵng, hiện nhiều địa phương khu vực miền Trung đã thực hiện bán cá sạch tới người tiêu dùng. Đồng thời, nhiều lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ban ngành, địa phương đã trực tiếp sử dụng sản phẩm hải sản để động viên tinh thần người tiêu dùng, khôi phục nhu cầu sử dụng hải sản của người dân