Phạt người chê Chủ tịch tỉnh trên Facebook: Không thể coi là vu khống, dùng quyền lực trấn áp

Liên quan đến vụ phạt người dân chê Chủ tịch tỉnh An Giang trên Facebook, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, khen hay chê lãnh đạo là quyền của người dân, không thể coi đó là chuyện “vu khống” rồi dùng quyền lực trấn áp.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) trả lời báo chí sáng 20.11 - Ảnh: Ngọc Thắng
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) trả lời báo chí sáng 20.11 - Ảnh: Ngọc Thắng

Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khi trao đổi với báo chí bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 20.11, về vụ “bị phạt vì chê Chủ tịch tỉnh kênh kiệu” đang gây ồn ào dư luận những ngày qua.

* Ông có suy nghĩ gì về việc các vị lãnh đạo bộ ngành hay địa phương khi mới nhậm chức thường có những tuyên bố hoặc hành động rất mạnh mẽ, nhận được sự ủng hộ của dư luận. Nhưng cuối nhiệm kỳ lại có những chuyện rất đáng buồn như việc bổ nhiệm hàng loạt trước khi nghỉ hưu?

Tôi nghĩ rằng cảnh báo của anh Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội - PV) là rất đúng đắn. Hiện tượng đó tồn tại lâu rồi và chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn bằng pháp luật. Ví dụ như cần quy định trước khi nghỉ hưu anh không được bổ nhiệm, việc bổ nhiệm phải đúng pháp luật…

Những chuyện bổ nhiệm ồ ạt số lượng lớn, rồi đưa các biến thể như “hàm” vụ trưởng, vụ phó chẳng hạn nó đè nặng lên ngân sách nhà nước và để lại hậu quả rất khó xử lý sau này về nhân sự. Những chuyện đó người dân bình thường còn biết thì làm sao các nhà lãnh đạo có trách nhiệm lại không biết. Vấn đề là chúng ta đã để dung túng kéo dài.

* Ở các nước, các nhà lãnh đạo để lại dấu ấn cá nhân rất lớn nhưng ở Việt Nam chưa thấy điều này. Ông nghĩ gì về chuyện đó?

Ở Việt Nam do cơ chế lãnh đạo tập thể nên chuyện dấu ấn cá nhân bị mất đi, kể cả phong cách cá nhân cũng vậy. Nhưng cũng có trường hợp như ông Nguyễn Bá Thanh, mất rồi nhưng đã để lại một phong cách lãnh đạo mà nhiều người rất quý trọng. Tại sao mỗi nhà lãnh đạo không tạo ra được điều đó? Tôi nghĩ chuyện ấy hết sức quan trọng. Đừng nhân danh chống chủ nghĩa cá nhân. Người ta vẫn nói vui là trách nhiệm thì tập thể mà quyền lợi thì cá nhân là vậy. 

* Theo ông cần làm thế nào để có thể tạo được điều đó?

Ở nhiều nước có vấn đề gì thì quan chức phải chịu trách nhiệm đến cùng. Chuyện hồi tố rất quan trọng. Thứ hai nữa là dư luận xã hội. Vụ việc ở An Giang vừa qua chỉ một bình luận của người dân trở thành việc xử lý như vậy là không chấp nhận được. Dư luận xã hội như các cụ nói “bia đá, bia miệng”. Những chuyện như thế sẽ góp phần tích cực vào điều chỉnh nhận thức xã hội và trách nhiệm xã hội.

Không nên dùng quyền lực trấn áp

* Trong vụ việc ở An Giang vừa qua, khi người dân vừa “chê” lãnh đạo đã bị xử lý. Ông có ngại chuyện đó sẽ tiếp diễn không? Vụ việc này có phải là một ví dụ của chuyện lạm dụng quyền lực hay không?

Từ hiện tượng này, các cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Tôi nhớ Bác Hồ từng có một định nghĩa rất giản dị về dân chủ, đó là “Dân chủ là làm sao để dân được mở miệng ra”. Dân không được mở miệng, nguy hại hơn là dân không thiết mở miệng nữa thì chúng ta đánh mất nguồn lực quan trọng cho thể chế. Cho nên cần vào cuộc để xử lý nghiêm túc, công bằng và để lại một quy định có thể là “thành văn” hoặc không về quan hệ giữa lãnh đạo và người dân.

* Trong vụ việc ở An Giang, các cơ quan chức năng địa phương dường như đã không căn cứ vào pháp luật mà dùng những công cụ khác để xử lý người “vi phạm”. Theo ông có cách thức nào để ngăn chặn những câu chuyện tương tự như thế?

Xử lý thì phải theo luật. Nếu tôi nhớ không lầm thì bình luận đó không có gì vu khống cả mà chỉ là bình luận mang tính chất cảm nhận thôi. Họ có thể khen anh đẹp hay chê anh xấu thì đó là quyền người dân chứ. Tại sao lại gắn chuyện đó vào lý do “sắp Đại hội Đảng” để xử lý. Lẽ ra cần thấy chính cái đó là thuốc thử. Nếu số đông họ không tán thành với những bình luận ấy thì đó là ủng hộ cho lãnh đạo. Không nên dùng quyền lực trấn áp không đúng luật.

* Trong văn hoá Việt Nam, chuyện người dân “chê bai” quan chức trước nay dường như ít được nói đến công khai, thậm chí bị coi là cấm kỵ. Theo ông, cần nhìn vụ “chê” lãnh đạo ở An Giang như thế nào?

Đây là chuyện phải gắn với Hiến pháp và pháp luật. Chưa nói đến chuyện “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Đây cũng là cơ hội để chúng ta điều chỉnh nhận thức xã hội về những vấn đề liên quan đến pháp luật. Một xã hội dân sự thì đó là quyền đương nhiên, tất nhiên lời lẽ có thể bị coi là khiếm nhã nhưng không thể nói đó là vu khống được, vì đó là nhận xét của người ta. Nhất là trên mạng nữa.

Theo tôi, nên coi đây là vấn đề giáo dục nhiều hơn, người dân ứng xử xã hội cần có sự lịch thiệp đúng mức và nhất là bày tỏ trên mạng cần thận trọng, vì có thể có những hiệu ứng ngoài ý muốn. Đây cũng là hiện tượng cần được quan tâm để góp phần điều chỉnh chung trong quan hệ xã hội cũng như quan hệ giữa lãnh đạo và người dân. Khi chúng ta đang kêu gọi việc gần dân, nghe dân mà anh lại hành xử như thế thì không được.

Theo TN